PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, xử lý thông tin báo chí đăng phát
Sau khi nghiên cứu, xem xét nội dung phóng sự đã phản ánh liên quan đến tình trạng hoạt động của các Dự án chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh tại phóng sự “Cần chấn chỉnh công tác quản lý khoáng sản ở Bắc Kạn” đăng trên kênh Truyền hình Thông tấn xã ngày 2/10/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến phản hồi tại Công văn số 2333/STNMT-KS ngày 15/10/2021. Cụ thể:

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

* Dự án Nhà máy luyện gang Bắc Kạn tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông của Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn:

Dự án cải tạo đầu tư Nhà máy luyện gang Bắc Kạn được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 13121000003 ngày 22/7/2014 cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn thực hiện, địa điểm xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông. Nhà máy được tái cơ cấu từ tháng 1/2015, đến tháng 2/2016 đi vào hoạt động sản xuất. Tuy nhiên sản xuất không ổn định, thường xuyên phải dừng sản xuất để sửa chữa thiết bị. Từ đầu năm 2019 đến nay, Nhà máy ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất.

Ngày 28/8/2020, UBND tỉnh đã chủ trì cuộc làm việc với Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn để đôn đốc khởi động lại hoạt động Nhà máy luyện gang Bắc Kạn và yêu cầu Công ty tập trung xây dựng phương án khôi phục lại hoạt động sản xuất của Nhà máy luyện gang Bắc Kạn. Đồng thời, UBND tỉnh đã làm việc trực tiếp với các ngân hàng thương mại có liên quan để xử lý dự án theo quy định. Hiện nay, các bên liên quan đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để xử lý dự án và tái cơ cấu đầu tư theo quy định.

* Dự án Khu liên hợp gang thép Kim Sơn tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn:

Khu liên hợp gang thép gồm Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/năm và Dự án nung tuyển quặng sắt công suất 600.000 tấn/năm của Công ty Kim Sơn được Ban Quản lý các Khu công nghiệp cấp Giấy CNĐT số 13201000001 ngày 25/7/2007.

Sau nhiều lần điều chỉnh Dự án, đến tháng 12/2014 hết thời hạn được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư không thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ triển khai. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo, các sở, ngành và Ban Quản lý Khu công nghiệp đã nhiều lần hướng dẫn, đôn đốc Công ty Kim Sơn hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chấm dứt hoạt động đầu tư đối với 2 dự án nhưng Công ty Kim Sơn vẫn không thực hiện các thủ tục về chấm dứt Dự án.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động đối với 2 dự án nêu trên của Công ty Kim Sơn tại Khu Công nghiệp Thanh Bình tại các văn bản: Quyết định số 51/QĐ-BQL ngày 12/10/2018 hủy bỏ Quyết định số 21/QĐ-BQL ngày 22/6/2015 về việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy nung tuyển quặng sắt công suất 600.000 tấn/năm; Quyết định số 54/QĐ-BQL ngày 12/10/2018 chấm dứt hoạt động của dự án Nhà máy nung tuyển quặng sắt công suất 600.000 tấn/năm; Quyết định số 52/QĐ-BQL ngày 12/10/2018 hủy bỏ Quyết định số 22/QĐ-BQL ngày 22/6/2015 về việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/năm (được đính chính bởi Quyết định số 60/QĐ-BQL ngày 23/10/2018); Quyết định số 53/QĐ-BQL ngày 12/10/2018 chấm dứt hoạt động của dự án dự án Khu liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/năm.

Ngày 19/7/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 1257/QĐ-UBND thu hồi 17,7 ha đất đã giao cho Công ty Kim Sơn thuê tại Khu Công nghiệp Thanh Bình và khu đất hiện nay được giao cho Trung tâm Phát triển hạ tầng và Dịch vụ Khu công nghiệp quản lý.

* Dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp Bắc Kạn tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới của Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị toàn bộ (MATEXIM):

Dự án Nhà máy luyện kim phi cốc (Nhà máy sản xuất sắt xốp) công suất 100.000 tấn/năm tại  Khu Công nghiệp Thanh Bình được Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Kạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 132210000002 ngày 14/8/2009 cho Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim). Dự án được xây dựng từ năm 2010 đến năm 2013 hoàn thành và chính thức hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, từ năm 2016 đến nay, Nhà máy ngừng sản xuất.

Sau nhiều lần đôn đốc Matexim xây dựng phương án tái cơ cấu đầu tư đưa Nhà máy luyện kim phi cốc trở lại sản xuất, Matexim đã được Bộ Công Thương đồng ý về nguyên tắc tăng vốn điều lệ tại Văn bản số 449/BCT-CN ngày 18/1/2019 để có nguồn vốn tái cơ cấu đầu tư Nhà máy sắt xốp. Tuy nhiên, Phương án tăng vốn điều lệ chưa được Bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) thông qua và yêu cầu Matexim giải trình, làm rõ sự phù hợp, đảm bảo hiệu quả, lợi ích cao nhất cho Matexim và bảo toàn vốn đầu tư của VEAM tại Matexim (theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Văn bản số 449/BCT-CN ngày 18/1/2019).

Do tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp và phải áp dụng giãn cách xã hội theo quy định nên đến ngày 28/9/2021, Matexim đã cử đoàn công tác đánh giá, khảo sát thực tế Nhà máy để hoàn thiện Phương án tăng vốn điều lệ, cũng như phương án tái cơ cấu đầu tư Nhà máy sản xuất sắt xốp theo quy định. Thời gian cam kết hoàn thiện trong tháng 10 năm 2021.

* Dự án Nhà máy chế biến bột đá canxi cacbonat Nà Hái, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông của Công ty TNHH MTV Phiabjoóc:

Dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 13101000020 ngày 15/4/2009 với công suất 54.000 tấn sản phẩm/năm và diện tích đất sử dụng 78.255 m2.

Dự án thực hiện trên cơ sở nguồn nguyên liệu cung cấp từ mỏ đá vôi trắng Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác khoáng sản tại Quyết định số 1675/QĐ-BTNMT ngày 22/10/2007 cho Công ty TNHH Tuấn Ngân (chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV Phiabjoóc), thời gian khai thác 30 năm. Tuy nhiên, mỏ dừng khai thác từ năm 2015 đến nay. Theo đó, Dự án nhà máy chế biến bột Cacbonat cũng ngừng hoạt động. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với chủ đầu tư để xem xét, đánh giá tính hiệu quả để tái cơ cấu đầu tư hoặc kết thúc Dự án theo quy định.

* Dự án Nhà máy sản xuất bột ôxít kẽm công suất 20.000 tấn/năm tại xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn của Công ty liên danh công nghiệp Việt Thái:

Dự án được bắt đầu triển khai thủ tục đầu tư từ năm 1994 trên cơ sở thành lập Công ty Liên danh công nghiệp Việt Thái giữa Công ty Teparak International Co.,Ltd Thái Lan và Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên - TMC (thuộc Tổng công ty khoáng sản quý hiếm Việt Nam - Bộ công nghiệp nặng, nay là Bộ Công Thương). Công ty Liên doanh công nghiệp kẽm Việt Thái ký với ngân hàng EximBank Thái Lan để vay 9.050.000USD đầu tư vào dự án của công ty Liên doanh.

Nhà máy được lắp đặt, vận hành chạy thử từ cuối năm 2004 đến đầu năm 2007 nhưng phải nhiều lần dừng sản xuất để sửa chữa, hiệu chỉnh lại các thiết bị do bộc lộ nhiều lỗi kỹ thuật và công nghệ như nhà thầu thi công đã có thay đổi so với thiết kế cơ bản nên dừng hoạt động sản xuất cho đến nay.

Việc này, UBND tỉnh đã thường xuyên đôn đốc các bên liên quan khẩn trương tái cơ cấu dự án và xử lý các tồn tại theo quy định. Về phía Việt Nam, từ năm 2008 Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên - TMC đã có văn bản đề nghị Tổng công ty Khoáng sản - TKV giải thể liên doanh trước thời hạn; đồng thời nhiều lần gửi văn bản cho đối tác phía Thái Lan nhưng không nhận được phúc đáp.

Năm 2012, Ngân hàng Eximbank Thái Lan khởi kiện Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên tại Viện Trọng tài Thái Lan (nhưng chưa rõ về kết luận).

Năm 2013, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên với tư cách là chủ nợ đã nộp đơn lên Tòa án tỉnh Bắc Kạn yêu cầu mở thủ tục phá sản Công ty Liên doanh công nghiệp kẽm Việt Thái nhưng do nhiều vướng mắc nên chưa thực hiện xong thủ tục phá sản. Do vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan chức năng giải quyết, nên đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa tham mưu giải quyết dứt điểm việc thu hồi giấy phép đầu tư đối với liên doanh trên.

Các dự án nêu trên sau khi đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, đăng ký chủ trương đầu tư theo quy định và các chủ đầu tư đã xây dựng cơ bản hoàn thiện nhà máy, đi vào hoạt động ra sản phẩm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và do năng lực của nhà đầu tư nên đến nay, các nhà máy đều dừng sản xuất. Việc này, các sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đưa Nhà máy trở lại hoạt động sản xuất nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện nay, để giải quyết dứt điểm tồn tại các dự án trên, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác giải quyết tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 359/QĐ-UBND ngày 16/3/2021./.

Thu Cúc (tổng hợp)