PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
UBND tỉnh yêu cầu quản lý chặt chẽ việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận trong tình hình hiện nay
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận trong tình hình hiện nay.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một trong những nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Qua việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận), Nhà nước thiết lập hồ sơ địa chính đầy đủ cho toàn bộ đất đai trong phạm vi từng đơn vị hành chính cấp xã trong cả nước, làm cơ sở để Nhà nước quản lý chặt chẽ toàn bộ đất đai theo đúng quy định của pháp luật; người sử dụng đất đủ điều kiện thì được cấp Giấy chứng nhận. Thông qua việc cấp Giấy chứng nhận, người sử dụng đất được Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, được thực hiện các giao dịch về đất đai theo quy định của pháp luật.

Công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận là nội dung quan trọng trong quản lý đất đai. Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ”. Đồng thời, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã nêu “Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp cho người đã đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật, đồng thời có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước”.

Để thể chế quy định của Hiến pháp, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, pháp luật đất đai 2013 đã quy định cụ thể đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất, người được giao đất để quản lý; về thời hạn người sử dụng đất phải thực hiện đăng ký biến động đất đai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; về việc cấp Giấy chứng nhận (thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thực hiện); về xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ; về xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị để đẩy mạnh công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện pháp luật đất đai năm 2013, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Bộ đã nỗ lực cùng các địa phương thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận. Đến nay, trên địa bàn cả nước đã căn bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu.

Tuy nhiên, việc triển khai đăng ký đất đai lần đầu vẫn còn chưa được thực hiện triệt để tại một số địa phương, dẫn đến diện tích đất đai còn lại chưa được cấp Giấy chứng nhận hoặc không thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận không được đưa vào đăng ký để quản lý; công tác đăng ký biến động đất đai, cấp Giấy chứng nhận tại một số nơi còn thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn xảy ra tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có công tác kê khai đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và thực hiện nghiêm các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có công tác kê khai đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chủ động phối với Phòng Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương tổng hợp nhu cầu cấp Giấy chứng nhận, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí và chủ trì tổ chức thực hiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật. Chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ quy trình, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, trong đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, đặc biệt tại bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trong quá trình thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo theo quy định.

UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người sử dụng đất chưa kê khai, đăng ký đất đai lần đầu để người sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với Nhà nước để Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp cho người đã đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo phòng, ban chuyên môn rà soát các trường hợp tồn đọng chưa cấp Giấy chứng nhận lần đầu, trong đó cần làm rõ các nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết, xây dựng Kế hoạch và lập dự toán kinh phí cấp Giấy chứng nhận cho năm 2023 và các năm tiếp theo, trình UBND huyện, thành phố xem xét phê duyệt để thực hiện.

Chỉ đạo cơ quan trực thuộc, UBND cấp xã xử lý nghiêm các trường hợp không đăng ký đất đai, không đăng ký biến động theo quy định; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai thực hiện. Có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước. Chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ quy trình, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, trong đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, đặc biệt tại bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai thực hiện.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung rà soát toàn bộ quỹ đất của địa phương, xác định cụ thể những thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận và những thửa đất trước đây đã kê khai, đăng ký, được cấp Giấy chứng nhận nhưng do bị biến động về diện tích, loại đất, tên chủ sử dụng đất vv… cần phải cấp đổi Giấy chứng nhận; lập danh sách đăng ký nhu cầu cấp Giấy chứng nhận với Phòng Tài nguyên và Môi trường; tổng hợp, phân loại, thống kê kết quả việc hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ kê khai, đăng ký đất đai và báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo giải quyết./.

Bích Huệ