PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/12/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn tham dự Hội nghị trực tuyến phát triển kinh tế dưới tán rừng
Sáng 3/12, tại Lai Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì Hội nghị. Dự tại điểm cầu Bắc Kạn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Điểm cầu Bắc Kạn

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc gồm 17 tỉnh có tổng diện tích rừng là trên 5,731 triệu ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc, trong đó rừng tự nhiên khoảng 3,962 triệu ha, diện tích rừng trồng là 1,796 triệu ha. Các loài cây trồng chủ yếu là keo, bạch đàn, thông, mỡ, quế,... Tính đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 52,6%.

Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc là ngành có sản phẩm xuất khẩu tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm. Năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 7,9 triệu m3 gỗ, ước đạt khoảng 9.480 tỷ đồng/năm. Toàn khu vực có 747 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản; tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011 - 2020 hơn 7.750 tỷ đồng, riêng năm 2020 thu 1.239 tỷ đồng.

Hội nghị đã đưa ra 5 định hướng và 3 giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2030 là: Phát triển ngành lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, địa phương; nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi.

Về quy hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho từng tỉnh.

Về cơ chế, chính sách, sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với từng loại rừng để phát huy giá trị loại rừng đó; hoàn thiện một số chính sách có liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.

Về khoa học công nghệ, nghiên cứu, lựa chọn, cung cấp giống cây rừng trồng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu... có năng suất, chất lượng để đưa vào sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa trình bày tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa đã trình bày tham luận với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế dưới tán rừng hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường tại địa phương". Theo đó, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức triển khai nhiều đề tài, dự án trồng và phát triển thử nghiệm đối với một số cây dược liệu có giá trị cao dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế như: Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học, phân bố và khả năng phát triển cây kim tuyến tại một số huyện của tỉnh Bắc Kạn”; Dự án “Nghiên cứu đánh giá, nhân giống và kỹ thuật trồng gừng đá Bắc Kạn”; Dự án “Tăng cường quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng cho các chuỗi sản phẩm dược liệu tự nhiên tại Việt Nam” do Tổ chức Traffic International tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện tại 4 huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì...

Ngoài phát triển cây dược liệu, với yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên trong giai đoạn hiện nay thì các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang chuyển dịch sang thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi dưới tán rừng. Từ đó, nhiều mô hình dần được hình thành như: Chăn nuôi gà thả đồi, nuôi dê, nuôi ong...; chuyển dần từ thu hái tự nhiên sang trồng dưới tán rừng các loài cây đem lại thu nhập như lá dong, sa nhân, bò khai... Tuy nhiên những mô hình, diện tích này còn manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng sản xuất tập trung.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu. Bộ sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển dưới tán rừng cho vùng Trung du miền núi phía Bắc, không để bà con phát triển một cách tự phát. Cùng với đó, kích hoạt tất cả các giá trị biến nông nghiệp không phải là sản lượng sản xuất nữa mà là kinh tế, dựa trên 3 trụ cột: Tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc và tinh hoa sáng tạo. Mặt khác, các địa phương phát triển bền vững dưới tán rừng cần làm sao khai thác có kiểm soát để không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng, tạo thêm nguồn lực kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thu ngân sách của các tỉnh./.

Thu Trang