PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn tham gia Hội thảo quốc gia “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”
Sáng 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đến UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì Hội thảo.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất; Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trần Ngọc Quang; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; đại diện một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo về tổng quan về tình hình hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, giải pháp huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới; tổng quan về chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước góp phần phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Hội thảo cũng đã dành thời gian thảo luận về tình hình hoạt động của hợp tác xã kinh tế tập thể, liên hiệp hợp tác xã, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, vướng mắc trong hoạt động và tiếp cận vốn tín dụng; giải pháp củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã…

Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 hợp tác xã, 137 liên hiệp hợp tác xã và 71.500 tổ hợp tác. Thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước còn một số tồn tại, hạn chế chưa hiệu quả như kỳ vọng do các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp, chỉ một số ít hợp tác xã phi nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước; số lượng các hợp tác xã tiếp cận các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít; tiêu chí hợp tác xã thụ hưởng còn chưa phù hợp, thủ tục hành chính phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương…

Tại Hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới như: Sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023 đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật Hợp tác xã năm 2023; các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các hợp tác xã xây dựng, phát triển hợp tác xã trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu chung của các thành viên và của hợp tác xã; xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt hợp tác xã được đào tạo chuyên nghiệp, có kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng quản lý, quản trị hợp tác xã; các địa phương tiếp tục duy trì, thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp đã ban hành; nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ hợp tác xã; nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách…

Thời gian qua, tín dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt thấp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ nền kinh tế. Nguyên nhân là do các hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu; năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hoạt động hiệu quả chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế; hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến; một số hợp tác xã sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước….

Để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã bền vững, Ngân hành Nhà nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023 để triển khai đồng bộ các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể theo hướng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của kinh tế tập thể trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật; phát huy vai trò cầu nối giữa hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã với các doanh nghiệp và thị trường, phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp. Ưu tiên, bố trí và lồng ghép các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã….

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định, Hội thảo được tổ chức thành công, đạt mục tiêu đề ra. Hội thảo đã tìm ra được những nút thắt và các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ những vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, góp phần phát triển khu vực kinh tế tập thể trong thời gian tới./.

Hương Dịu