PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/01/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ
Sáng 27/1, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ chủ trì Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đại diện Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Tư pháp.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 thay thế Luật GTĐB năm 2001, gồm 8 chương với 89 điều được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật GTĐB 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hàng lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật GTĐB 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng và trình sửa đổi Luật GTĐB năm 2008. Ngày 10/6/2020, Quốc hội đã có Nghị quyết số 106/2002/QH14 đưa dự án Luật GTĐB sửa đổi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, thông qua tại Kỳ họp thứ 11. Dự án Luật GTĐB (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10.

Sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, đến nay, tên gọi của dự án Luật được chỉnh lý thành “Luật Đường bộ” để thay thế cho tên gọi cũ “Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)”. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 100 điều. Chương I - Những quy định chung gồm 8 điều (từ Điều 1 - Điều 8); Chương II - Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm 41 điều (Điều 9 - Điều 49); Chương III -Phương tiện giao thông đường bộ gồm 9 điều (Điều 50 - Điều 58); Chương IV - Vận tải đường bộ gồm 34 điều (Điều 59 - Điều 92); Chương V - Quản lý nhà nước về giao thông vận tải gồm 6 điều (Điều 93 - 98); Chương VI - Điều khoản thi hành gồm 2 điều (Điều 99, Điều 100). So với Luật GTĐB 2008, dự thảo Luật đã bỏ 2 chương: Chương quy định về quy tắc giao thông đường bộ và Chương về người điều khiển phương tiện tham gia đường bộ.

Tại Hội nghị, nhiều đơn vị, địa phương đã đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB. Các đơn vị, địa phương đều khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB 2008 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước; khắc phục vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về GTĐB là cần thiết. Luật mới ra đời phải tạo động lực cho phát triển, do đó, những nội dung không còn phù hợp phải được mạnh dạn bỏ đi, thay thế bằng những nội dung mới, phù hợp hơn.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, đây là Hội nghị lấy ý kiến công khai, minh bạch và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Thứ trưởng đề nghị Tổ soạn thảo Luật tập trung cao độ, rà soát lại các nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB; tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng./.

Hương Dịu