PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Kết luận Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo, sâu sát và liên tục; huy động toàn xã hội vào cuộc nhanh chóng đạt hiệu quả thiết thực, toàn diện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Cùng với nguồn lực phân bổ từ Trung ương, tỉnh đã huy động vốn từ các tổ chức tín dụng tại địa bàn để cho các đối tượng vay vốn thực hiện các mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia; huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân thông qua các cuộc vận động xã hội, phong trào thi đua yêu nước như Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025...


Trường TH&THCS Cao Sơn (Bạch Thông) được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG

Tỉnh đã ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các địa phương lập quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các xã, huyện thuộc lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới, đầu tư hệ thống các trường lớp học tại các xã phấn đấu đạt chuẩn, nâng cấp đường lâm nghiệp phục vụ sản xuất... Trong đó ưu tiên công trình có nhiều hộ nghèo, phụ nữ hưởng lợi; đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã bảo đảm đạt chuẩn; mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho trung tâm y tế huyện; đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã, đường liên xã; hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối các xã đặc biệt khó khăn trên cùng địa bàn; cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cấp cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phân bổ vốn cho 3 Chương trình để thực hiện 434 dự án giao thông; 162 dự án thủy lợi, 67 dự án cấp nước sinh hoạt, 59 dự án nhà văn hóa; 47 dự án trường học, 14 dự án chợ, 6 trạm y tế xã...

Cùng với đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống Nhân dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất theo từng vùng và từng dân tộc; mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP); chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trong các năm 2022, 2023, tỉnh đã phê duyệt thực hiện 409 danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 110 Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 299 Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; triển khai 3 mô hình phát triển nông lâm nghiệp gắn với du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 218 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 18 sản phẩm OCOP 4 sao và 199 sản phẩm OCOP 3 sao. Toàn tỉnh hiện có 420 hợp tác xã; tổng vốn điều lệ các hợp tác xã là 614.880 triệu đồng, trên 4.200 thành viên; có 2 liên hiệp hợp tác xã gồm 14 thành viên. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, cung cấp dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên; đến nay, thu nhập bình quân của các thành viên hợp tác xã đạt 4,5 triệu đồng/người.

Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường, hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn. Hoạt động hỗ trợ người lao động giải quyết việc làm tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Tổ chức các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong và ngoài tỉnh tham gia.

Các nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác y tế cơ sở, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm thực hiện. Việc triển khai các chính sách giải quyết việc làm, xây dựng đời sống văn hóa vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch được thực hiện hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% xã đạt chuẩn phổ cập về giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học mức độ 3, giáo dục THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia cao hơn những năm trước.

Công tác đào tạo nghề, đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong giai đoạn, giải quyết việc làm cho 16.095/12.400 người, đạt 129,7% kế hoạch. Hệ thống tổ chức y tế cơ sở được được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng khám chữa bệnh. Các chương trình mục tiêu y tế - dân số triển khai thực hiện theo kế hoạch. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên toàn tỉnh đạt khoảng 96%. Sức khỏe của người dân được quan tâm, có khoảng 23% dân số nông thôn đã có sổ đăng ký khám chữa bệnh điện tử. Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa” được triển khai, thực hiện sâu rộng. Toàn tỉnh có 1.186/1.292 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, đạt 91,8%, vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2022.

Tỉnh đã hoàn thành việc lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn; tích cực triển khai các thủ tục để sớm phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, huyện Ba Bể… Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu của người dân. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh với việc thành lập và duy trì các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, thể thao…; đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên.

Tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. Theo đó, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G tại thôn, bản trên địa bàn tỉnh đạt 96%; cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh đạt 73%. Tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số. Xây dựng Kế hoạch và triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người người nghèo, cận nghèo...

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đánh giá, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có chuyển biến tích cực. Các phong trào thi đua, cuộc vận động được triển khai cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế, lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh; người dân đã nỗ lực vươn lên giúp nhau phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, có 4 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết, bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, tiến độ triển khai một số dự án, tiểu dự án còn chậm, kết quả giải ngân các nguồn vốn hằng năm chưa đạt kế hoạch đề ra. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở các huyện, xã chưa đồng đều; giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo cao. Việc huy động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đóng góp nguồn lực thực hiện chương trình còn ít, khó vận động. Bộ phận giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp và Ban Quản lý cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu cán bộ làm việc chuyên trách...

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TU và chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch, chương trình công tác gắn với việc cụ thể hoá một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện kịp thời, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội. Cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo, sâu sát và liên tục; huy động toàn xã hội vào cuộc nhanh chóng đạt hiệu quả thiết thực. Lấy nhiệm vụ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với công việc cụ thể trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chủ đề năm 2024, 2025.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân nhận thức đúng, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng các chương trình trong quá trình xây dựng và kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, tổ chức xã hội nghề nghiệp và sự tham gia của Nhân dân trong quá trình thực hiện; nhất là vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín ở thôn, bản.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các ngành trong việc chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực hiện các chương trình gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án và giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch, nhất là nguồn vốn sự nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ giảm nghèo…giúp người dân có sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo.

Phân cấp mạnh trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình. Kịp thời phân bổ, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu, không dàn trải, công khai, minh bạch. Tích cực huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đẩy mạnh công tác vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp, tài trợ nguồn lực để thực hiện các chương trình.

Thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới của Trung ương, đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện chương trình tại các cấp đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình. Kịp thời biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và hoạt động giám sát cộng đồng trong thực hiện các chương trình.

Các cơ quan, đơn vị trên cơ sở nhiệm vụ được phân công tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và gắn với nhiệm vụ, chức năng của cơ quan, đơn vị. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, đảm bảo thực hiện tốt các nội dung công việc, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc giúp địa phương để công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.../.

Bích Huệ (tổng hợp)