PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chợ Mới đẩy mạnh Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi"
"Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" là một trong những phong trào được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới triển khai thực hiện sâu rộng. Phong trào đã tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong hội viên, nông dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hồi là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân
(Ảnh: Người dân huyện Chợ Mới thu hoạch hồi)

Trong những năm qua, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Mới đã có bước phát triển đáng kể. Người dân tích cực khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng nông sản được nâng lên rõ rệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa, bước đầu đã tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.

Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Để triển khai Phong trào, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp, thu hút nguồn lực từ các ngành, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, dạy nghề, tham quan, hướng dẫn nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương; qua đó đã thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia Phong trào, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Thống kê từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 91 buổi tập huấn với 16.559 lượt hội viên tham gia; phối hợp với Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh cung ứng 287  tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất; phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức 29 lớp dạy nghề trồng rừng, rau, nuôi ong, cá, gà,... cho 868 học viên.

Xác định việc hỗ trợ vay vốn là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi", các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tổ chức nhiều hoạt động, thu hút các nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất ổn định đời sống; tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện là 930,263 triệu đồng, hiện tại đang thực hiện 4 dự án với 21 hộ vay vốn, thực hiện 7 dự án thuộc Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương, của tỉnh với tổng số tiền 3.090 triệu đồng cho 63 hộ vay vốn.

Phong trào đã thúc đẩy mạnh mẽ hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm thay đổi diện mạo phát triển kinh tế tại địa phương. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư về lao động, vốn, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm có thu nhập cao như: Mô hình trồng rừng và chế biến lâm sản tại xã Thanh Mai; chăn nuôi trâu, bò tại xã Nông Hạ, Thanh Thịnh, thị trấn Đồng Tâm; chăn nuôi gà, dê và dịch vụ tại thị trấn Đồng Tâm; trồng cây chè, cây ăn quả, trồng rừng tại xã Như Cố, Cao Kỳ, Hòa Mục; trồng hồi, quế, mướp đắng rừng, bí, gừng tại xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư...

Từ Phong trào đã thúc đẩy nhu cầu hợp tác của người nông dân, hội viên nông dân đã mạnh dạn tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết theo chuỗi trong sản xuất kinh doanh. Đến nay, huyện có 11 hợp tác xã với 137 thành viên do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập, 19 tổ hợp tác với 312 thành viên, 16 chi, tổ nghề nghiệp với 321 thành viên với các ngành nghề chủ yếu như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản và dịch vụ. Các mô hình kinh tế tập thể đã tích cực tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng tìm kiếm thị trường, quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm do hội viên nông dân sản xuất, tiêu biểu như Hợp tác xã Đoàn Kết (Cao Kỳ); Hợp tác xã Bản Mộc (Yên Cư); Hợp tác xã Ngọc Linh (Cao Kỳ); Tổ hợp tác chăn nuôi cá tại xã Thanh Vận, Thanh Mai; Tổ nghề nghiệp trồng mơ tại xã Hoà Mục; Tổ trồng rau tại thị trấn Đồng Tâm...

Phong trào đã khuyến khích, động viên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau giữa những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với những hộ nông dân nghèo, làm tô đậm thêm nét đẹp truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam. Từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã đóng góp xây dựng nông thôn mới và giúp đỡ các hộ nghèo với số tiền 1.967 triệu đồng và hơn 7.205 ngày công lao động. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động, mang lại nguồn thu nhập bình quân từ 3 - 11 triệu đồng/lao động/tháng; tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, kỹ thuật hướng dẫn các hộ hội viên nghèo trong sản xuất nhằm vươn lên thoát nghèo.

Nhằm thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn cơ sở hội xây dựng mô hình “sạch nhà tốt ruộng” tại các thôn, bản. Kết quả, đến nay đã xây dựng được 110 mô hình “sạch nhà tốt ruộng”; thường xuyên việc chỉnh trang nhà cửa, quét, phát quang đường làng, ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải, khơi thông cống rãnh, giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp,...

Kết quả đạt được từ Phong trào đã thể hiện rõ tinh thần vượt khó và ý chí vươn lên làm giàu của hội viên nông dân. Trong giai đoạn 2021 - 2024, huyện Chợ Mới có 5.833 lượt hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 2.312  lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Phát huy kết quả đạt được của Phong trào, thời gian tới, Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương; gắn phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi với các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; thu hút các nguồn lực giúp hội viên, nông dân phát triển các mô hình, xây dựng các gia trại, trang trại, phát triển các hợp tác xã, sản xuất sản phẩm thành hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ./.

Ngọc Tú