PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, dông, lốc, sét, gió giật mạnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất - Trưởng Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự; phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh vừa ký Công văn chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố tăng cường ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, gió giật mạnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Tuyên truyền, hướng dẫn người dân giằng néo gia cố mái nhà để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra
(Ảnh: Mưa, dông trong tháng 4/2024 đã gây thiệt hại về nhà cửa của người dân tại xã Quân Hà, huyện Bạch Thông)

Công văn nêu rõ, thời điểm giao mùa vừa qua đã xảy ra nhiều đợt mưa dông kèm lốc, sét và gió giật mạnh gây thiệt hại nhiều nhà cửa và hoa màu, tài sản của Nhân dân.

Hiện nay đã vào mùa mưa lũ, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, dông, lốc, sét, gió giật mạnh gây ra, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên sông, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự; phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp ứng phó với mưa dông, lốc, gió giật mạnh.

Trong đó yêu cầu các đơn vị thực hiện việc kiểm tra công trình hạ tầng, cây xanh trong khuôn viên đơn vị quản lý; thực hiện cắt, tỉa cành, hạn chế việc cây đổ, gẫy, văng cành khi có gió lốc; tránh tai nạn đáng tiếc về người và hư hỏng tài sản.

Sở Giao thông vận tải tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện giao thông thủy trên sông, hồ (bao gồm cả tàu, thuyền du lịch, đánh cá, vận tải, các khu nuôi trồng thuỷ sản…) nghiêm túc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên sông; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn như không trang bị phao cứu sinh, không mặc áo phao khi tham gia giao thông thủy, chở quá số người, quá tải trọng cho phép… Sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân (nếu có). Kiên quyết không cho phương tiện giao thông thủy xuất bến khi có tình huống thiên tai nguy hiểm.

Thực hiện kiểm tra, rà soát cây xanh đô thị, khu dân cư, thực hiện cắt, tỉa cành, có phương án đối với các cây xanh không an toàn để hạn chế việc cây đổ, gẫy, văng cành khi có gió lốc; tránh tai nạn đáng tiếc về người và hư hỏng tài, công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước; có biện pháp đảm bảo an toàn cho các biển quảng cáo, đặc biệt là biển quảng cáo tấm lớn nhằm hạn chế bị đổ, gẫy gây tai nạn khi có gió lốc xảy ra.

Tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thực hiện việc giằng néo gia cố mái nhà để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra; chặt tỉa cành cây xung quanh nhà để tránh bị đổ, gẫy gây nguy hiểm cho người và tài sản của gia đình, cá nhân và khu vực lân cận. Không đánh cá, với củi trên sông suối khi có lũ, mưa lớn; quản lý và cắm biển cảnh báo tại nơi sông suối, khu vực nước sâu.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo an toàn giao thông thủy. Tuyên truyền đến người dân tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông thủy như mặc áo phao, không lên thuyền khi đã vượt quá tải trọng cho phép, không chen lấn, xô đẩy khi tham gia giao thông đường thủy…

Chủ đầu tư thực hiện các dự án cần chỉ đạo đơn vị thi công có giải pháp đảm bảo an toàn thi công trong mùa mưa lũ; đặc biệt các công trình trên sông suối, khu vực có nguy cơ sạt lở, khu dân cư, đô thị phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, có biển cảnh báo đảm bảo an toàn.

Cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc và gió giật mạnh để giảm thiểu thiệt hại./.

BH