PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/06/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cùng hành động để giảm ô nhiễm nhựa
Ngày 5/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi phối hợp hành động toàn cầu để giảm ô nhiễm nhựa.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thông điệp trên được người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra nhân một sự kiện tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York để đánh dấu Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay, với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”.

Ảnh minh họa: UNEP/ Ollivier Girard 

Theo số liệu do ông Guterres đưa ra, trung bình mỗi năm, hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, với 1/3 trong số đó chỉ được sử dụng một lần. “Cứ mỗi ngày lại có hơn 2.000 xe rác chở đầy nhựa được đổ ra biển, sông và hồ” – người đứng đầu Liên hợp quốc trăn trở.

“Hậu quả thật thảm khốc. Vi nhựa tìm đường xâm nhập vào thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống và không khí chúng ta hít thở… Nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta càng sản xuất nhiều nhựa thì chúng ta lại càng tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch và càng khiến cho cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ hơn” – ông Guterres nói.

Theo tính toán, có khoảng 19-23 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra các hồ, sông và biển hằng năm - gấp 2.200 lần trọng lượng của tháp Eiffel ở thủ đô Paris (Pháp).

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh “vẫn còn những giải pháp để chúng ta có thể thay đổi tình hình”. Năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu đàm phán một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý để chấm dứt ô nhiễm nhựa và đây được coi là bước đi đầu tiên "đầy hứa hẹn".

Ông Guterres dẫn một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho thấy chúng ta có thể giảm 80% ô nhiễm nhựa vào năm 2040 nếu chúng ta hành động ngay bây giờ để tái sử dụng, tái chế, định hướng lại và đa dạng hóa các phương thức giúp loại bỏ nhựa.

Từ những lập luận nêu trên, ông Guterres kêu gọi hành động phối hợp giữa các chính phủ, các công ty và người tiêu dùng để từ bỏ thói quen sử dụng nhựa; hướng tới mục tiêu không rác thải và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn thực sự.

“Cùng nhau, chúng ta hãy định hình một tương lai sạch hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn cho tất cả” – ông Guterres nói.

Vi nhựa – được định nghĩa là các hạt nhựa có đường kính 5 mm dễ dàng xâm nhập vào mọi thứ chúng ta tiêu thụ và hít thở. Các nhà khoa học ước tính rằng mỗi người trên hành tinh này tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm – và con số này còn cao hơn nữa nếu tính đến cả việc hít phải các hạt vi nhựa.

Trong khi đó, nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt không chỉ gây hại cho sức khỏe con người, đe dọa đa dạng sinh học mà còn gây ô nhiễm mọi hệ sinh thái từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Liên hợp quốc cho biết, với sự phát triển của khoa học và các giải pháp sẵn có để giải quyết vấn đề, các chính phủ, công ty và các bên liên quan khác phải mở rộng quy mô và đẩy nhanh các hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Nhân dịp này, Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Ngày Môi trường Thế giới trong việc "kêu gọi các hành vi biến đổi từ mọi ngõ ngách trên thế giới”./.

Theo dangcongsan.vn