PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chất vấn về giải pháp tháo gỡ khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 21/8, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giải pháp tháo gỡ khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát vào chiều 21/8, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trích dẫn báo cáo của Chính phủ, sau 4 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành vẫn còn 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện; 1.405/9.694 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ; có 5/6 đơn vị hành chính (chiếm 83,33%) đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 6/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được phân loại đô thị và chưa tổ chức lập, điều chỉnh chương trình phát triển đô thị (100%); 43/152 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị (28,29%) và 58/104 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phân loại đô thị (55,77%) đều có nguyên nhân là phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, trong khi đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại nêu trên.

Trả lời chất vấn tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về vấn đề về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính tại các địa phương giai đoạn 2019 - 2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch đến năm 2025 phải giải quyết xong. Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương triển khai thực hiện tốt như Quảng Ninh, Thanh Hóa… Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chia sẻ với các địa phương còn gặp những khó khăn trong giải quyết vấn đề này, do số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn…

Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023 - 2030, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này; trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết 2025 kết thúc nhiệm vụ này.

Trong buổi chiều 21/8 và sáng 22/8, đại biểu tiếp tục chất vấn nhiều nội dung như: Trách nhiệm của Chính phủ trong việc liên tục sửa đổi luật; giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giám định tư pháp, làm rõ có tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật hay không; khắc phục tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng chưa được thực thi; hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Nội vụ tham mưu như thế nào về chính sách cho nhân viên thư viện; giải pháp nào để phát huy hiệu quả của việc xử lý tài sản công sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; giải pháp để cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; thông tin về tỷ lệ thu hút sinh viên xuất sắc của cấp Trung ương và các địa phương…

Đại biểu chất vấn Trưởng các Bộ, ngành về giải pháp để thi hành án hành chính; giải pháp cho việc khắc phục những vụ việc tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành án; giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; gỡ vướng cho việc định giá trong tố tụng hình sự; thống nhất hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giải pháp đảm bảo công tác trật tự đô thị trong thời gian tới; xử lý bất cập khi tích hợp giấy phép lái xe; giải quyết dứt điểm vấn đề vi phạm pháp luật về môi trường…

Ngoài phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng các ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực./.

Hương Lan