PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đại biểu Quốc hội tỉnh phát huy vai trò người đại biểu dân cử
30 năm sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946), vào ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lại được diễn ra trên phạm vi cả nước sau một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ đó đến nay, cùng với cả nước, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và các vị ĐBQH đã nỗ lực thực hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cử tri và Nhân dân địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


ĐBQH tỉnh tham gia Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Đổi mới hoạt động

Quá trình phát triển của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Quốc hội Việt Nam và lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Bắc Kạn. Từ khóa I đến khóa II (1946 - 1964) là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn; từ khóa III đến khóa IX (1965 - 1996) là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Thái; từ khóa X (1997 đến nay) là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Trong những năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh và ĐBQH tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, bám sát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo Hiến pháp, pháp luật, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác.

Trong công tác lập pháp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với các dự án luật với nhiều hình thức đa dạng như lấy ý kiến bằng văn bản, ý kiến góp ý trực tiếp tại hội nghị, hội thảo chuyên đề… Quá trình lấy ý kiến lập pháp bảo đảm dân chủ thực chất, có sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các thành phần liên quan. Nội dung gợi ý thảo luận cụ thể, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, những vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi cơ quan chuyên môn trong quá trình xây dựng luật.

Tại các Kỳ họp Quốc hội, mỗi ĐBQH đã nghiên cứu tham gia thảo luận tại hội trường và tại tổ đối với các dự án luật. Các ý kiến của Đoàn ĐBQH đã được ban soạn thảo tổng hợp, tiếp thu, giải trình. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia cùng Quốc hội rà soát đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam do các cơ quan ở Trung ương ban hành còn hiệu lực đến thời điểm hiện nay. Với tinh thần trách nhiệm, ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận đúng trọng tâm, hiệu quả, tham gia ý kiến đối với chính sách, pháp luật, các chủ trương lớn về quốc kế dân sinh và những vấn đề trọng đại của đất nước.

Trong công tác giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh triển khai giám sát đối với các chuyên đề được ủy quyền và các chuyên đề giám sát thuộc thẩm quyền của Đoàn. Công tác giám sát được chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều hình thức đổi mới, kết hợp giữa khảo sát, xem xét báo cáo với kiểm tra thực tế, tổ chức các cuộc làm việc với UBND tỉnh, UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành. Thành phần Đoàn giám sát được mở rộng bao gồm nhiều đơn vị liên quan. Nội dung giám sát được các Đoàn ĐBQH tập trung vào các lĩnh vực được quan tâm, lĩnh vực còn tồn tại ở địa phương. Sau mỗi cuộc giám sát đã đánh giá được thực trạng, làm rõ nguyên nhân của kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong việc ban hành, cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện để ban hành kết luận giám sát, đề xuất cụ thể các giải pháp với Quốc hội, Chính phủ cho những vấn đề chung, đồng thời cùng với chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn, tồn tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hiệu quả của các chuyên đề giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh còn thể hiện ở việc tập trung lựa chọn các vấn đề nóng, cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm, bao quát, tập trung vào những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, liên quan thiết thực đến quyền, lợi ích của Nhà nước và Nhân dân được cử tri và dư luận quan tâm, đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân.

Mang tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân đến với nghị trường

Với tinh thần trách nhiệm cao với Nhân dân cả nước nói chung, với cử tri tỉnh Bắc Kạn nói riêng, các ĐBQH tỉnh đã tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận, góp ý có chất lượng đối với các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, cho ý kiến tại kỳ họp và quyết định những vấn đề quan trọng khác.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hồ Thị Kim Ngân chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính
tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Việc phát biểu ý kiến về các vấn đề quan trọng của đất nước tại hội trường và tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại Đoàn được các vị ĐBQH thực hiện dân chủ, trách nhiệm. Tại các Kỳ họp Quốc hội, ĐBQH tỉnh đã cùng thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, tâm huyết, trách nhiệm liên quan đến các nội dung về công tác tổ chức, nhân sự; xem xét, quyết định về các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính, thuế, ngân sách nhà nước; cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố... Ngoài ra, Đoàn đặc biệt quan tâm thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng có liên quan đến địa phương. Các vấn đề được xem xét, quyết định đã kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt và quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược về tình hình triển khai và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước.

Như tại Kỳ họp thứ 6 được tổ chức tháng 12/2023, thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng tình cao với sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp, đồng thời giải tỏa những “điểm nghẽn” trong thực tiễn triển khai các dự án, công trình giao thông, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ.

Theo Nghị quyết này, tỉnh Bắc Kạn sẽ là cơ quan chủ quản thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Đây là một trong 10 dự án được thực hiện thí điểm cơ chế giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng nguồn ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác. Đồng thời, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn cũng thuộc Danh mục dự án đường cao tốc, đường quốc lộ được áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thực hiện thí điểm trong Nghị quyết này.

Cũng tại Kỳ họp thứ 6, các vị ĐBQH tỉnh tập trung phản ánh tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong các cơ sở y tế công lập, từ đó đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc và có cơ chế hoàn trả chi phí cho người tham gia bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh không được hưởng thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế; đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tình hình, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người dân ở các xã mới về đích nông thôn mới của các tỉnh không cân đối được ngân sách; đề nghị Chính phủ sớm cụ thể hóa Chỉ thị số 13-CT/TW và Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung vào các chính sách khoán bảo vệ rừng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển thị trường tín chỉ carbon...

Thực hiện quyền giám sát tối cao, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp, các đại biểu tỉnh Bắc Kạn đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chậm chi trả tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại các xã khu vực II, khu vực III, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.

Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm và xây dựng cao, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lựa chọn những nội dung thảo luận, chất vấn tại các Kỳ họp rất ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề để đặt câu hỏi chất vấn, tranh luận chất vấn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và mong mỏi của cử tri.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân

Trong thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo quy định. Ngoài tiếp xúc cử tri tại trụ sở các huyện, các xã, việc tổ chức tiếp xúc cử tri còn được tổ chức tại nơi làm việc, tại khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo cử tri tham dự, dành nhiều thời gian để cử tri phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, tham gia đóng góp ý kiến.

Bên cạnh đó, công tác tham mưu, phục vụ hoạt động tiếp xúc của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã từng bước đổi mới, chủ động, linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, để cụ thể hóa các quy định của pháp luật và tăng cường phối hợp công tác đối với các nhiệm vụ có liên quan, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để thực hiện tốt hơn hoạt động tiếp xúc cử tri.

Trước mỗi cuộc tiếp xúc cử tri, các ĐBQH đã chủ động dành thời gian nghiên cứu, nắm bắt thông tin, tình hình và chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung, vì vậy, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, không chỉ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri mà đại biểu còn trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về một số cơ chế, chính sách và thông tin các kiến nghị đã được cơ quan chức năng trả lời, giải quyết theo thẩm quyền, qua đó góp phần hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần. Đoàn ĐBQH mời các cơ quan chức năng ở địa phương tham gia hoạt động tiếp xúc cử tri và yêu cầu trực tiếp giải trình, làm rõ các nội dung liên quan tại hội nghị đã giúp làm rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hội nghị tiếp xúc cử tri.

Trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân cũng như những vấn đề nóng, bức xúc trong thực tiễn được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm, nhiều vấn đề, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm đã được Đoàn ĐBQH theo đuổi đến cùng. Theo đó, các đại biểu đã chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại nghị trường; gửi kiến nghị đến các cơ quan để kịp thời nghiên cứu, xem xét giải quyết. Đối với những việc khó, cần nhiều nguồn lực hoặc cần sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, Đoàn đã đề xuất các cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, có lộ trình giải quyết cụ thể. Mặt khác, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách giúp địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, từ đó tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân đối với người đại diện của mình.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Đoàn ĐBQH tỉnh rà soát, tổng hợp đầy đủ, phân loại gửi đến các cơ quan Trung ương và địa phương để giải quyết theo thẩm quyền. Kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương đã được Đoàn kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để thông tin đến cử tri. Đồng thời theo dõi, cập nhật đầy đủ các nội dung cử tri kiến nghị, kết quả giải quyết để cung cấp thông tin cho ĐBQH và tham mưu, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của các cơ quan chức năng khi cần thiết.

Hoạt động tiếp xúc cử tri cũng đã được Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện đa dạng. Bên cạnh hoạt động tiếp xúc cử tri thường lệ theo định kỳ trước và sau Kỳ họp Quốc hội, Đoàn cũng đã tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, hướng đến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách dự kiến ban hành để có thêm nhiều thông tin phục vụ ĐBQH, Đoàn ĐBQH xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung tại kỳ họp.

47 năm sau ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tốt nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh các nhiệm kỳ đã nỗ lực thực hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước và địa phương, có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quốc hội, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cử tri và Nhân dân địa phương./.

Hương Lan