PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đổi mới để phát triển
Hoạt động của hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn những năm qua đã có những chuyển biến trong tổ chức, quản lý, nội dung. Nhiều loại hình kinh tế hợp tác phát triển đa dạng ở các ngành, các lĩnh vực, qua đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Toàn tỉnh hiện có 382 tổ hợp tác và HTX, trong đó có 221 HTX với 1.918 thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 203 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2020, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động trong tỉnh. Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn với chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Các HTX đã huy động được vốn góp và vay vốn đầu tư máy móc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để thực hiện cung ứng vật tư, các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đã xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, tiêu biểu là mô hình liên kết chuỗi sản xuất tinh bộ nghệ Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn; miến dong xã Côn Minh, huyện Na Rì; chè Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn; chè Mỹ Phương, huyện Ba Bể; sản xuất rau quả an toàn Yến Dương, huyện Ba Bể.... Những mô hình liên kết này đã ngày càng phát huy hiệu quả bao tiêu sản phẩm, giúp cho các thành viên yên tâm sản xuất.


Ảnh: HTX Nông nghiệp Tân Thành nhận Giấy chứng nhận và biểu trưng
sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn năm 2020

Đơn cử như HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn được thành lập năm 2017 có 09 thành viên. Với phương thức hoạt động đổi mới hiệu quả, đến nay, HTX đã tạo việc làm cho trên 20 lao động của địa phương, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Sau gần 04 năm thành lập, HTX Nông nghiệp Tân Thành đã từng bước tổ chức được mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm sạch. Các sản phẩm của HTX đang ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Tân Thành có gần 20 loại sản phẩm, trong đó các sản phẩm nổi bật là Tinh bột nghệ nếp đen cao cấp Bắc Kạn, Tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp loại 100 g, 200 g, 500 g, 1.000 g; sản phẩm Tinh bột nghệ nếp đen, Tinh bột nghệ nếp đỏ của HTX được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh; mới đây, sản phẩm Tinh bột nghệ đen cao cấp của HTX đã được công nhận là Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020.

Những HTX hoạt động hiệu quả như HTX Nông nghiệp Tân Thành không chỉ có đóng góp về mặt kinh tế, mà ngày càng phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với bà con nông dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.


Ảnh: Mô hình trồng bí xanh tại HTX Yến Dương, huyện Ba Bể

Có được những kết quả trên trong đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của Liên minh HTX tỉnh. Bởi trong suốt những năm vừa qua, Liên minh HTX đã thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh trong việc triển khai các chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các HTX thành viên. Đồng thời tích cực giúp đỡ các HTX lên phương án kinh doanh, hạch toán kinh tế, từ đó nâng cao lợi nhuận, hoàn thành nghĩa vụ thuế và chủ động đổi mới để phát triển. Giai đoạn 2015-2020, Liên minh HTX đã tổ chức được 13 lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành, kiểm soát và công tác tài chính trong HTX cho 575 lượt giám đốc, kế toán của các HTX trên địa bàn tỉnh; tư vấn thành lập mới được 39 HTX; hỗ trợ 62 lượt HTX tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ trang thiết bị, máy móc cho 52 HTX…

Từ những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu: Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia HTX… Cụ thể, phấn đấu hằng năm thành lập mới từ 40 tổ hợp tác, 30 HTX trở lên, nâng tổng số lên 295 tổ hợp tác và 350 HTX, 03 liên hiệp HTX vào năm 2025; 100% xã trên địa bàn tỉnh có ít nhất 01 HTX tổ chức hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; có 70% HTX hoạt động đạt khá và mạnh; xây dựng 15 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài tăng cường hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa HTX với các thành phần kinh tế khác, tỉnh cũng chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chuyên môn của HTX; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX của Trung ương, đồng thời, tỉnh ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu… qua đó thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động./.

Thu Cúc