PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/10/2015
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nhiều tham luận đóng góp tại Đại hội Đảng bộ tỉnh
Ngày 16/10, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã khai mạc trọng thể Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tại Đại hội, các đại biểu đã tham luận đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề, lĩnh vực quan trọng để phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa nền kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ngày 16/10, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã khai mạc trọng thể Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tại Đại hội, các đại biểu đã tham luận đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề, lĩnh vực quan trọng để phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa nền kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả giá trị kinh tế rừng

Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm 79,7% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung mọi điều kiện phát huy lợi thế kinh tế rừng. Trong giai đoạn từ 2010 - 2015, toàn tỉnh đã trồng được trên 50.000ha rừng, nâng diện tích rừng trồng toàn tỉnh lên trên 84.000ha. Hiện nay, Bắc Kạn là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (đạt 70,8%). Cùng với đó, hoạt động của ngành lâm nghiệp trong thời gian qua đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo được giá trị tích lũy trên 50.000ha rừng tương đương hàng chục nghìn tỷ đồng, đây sẽ là nguồn thu GDP đáng kể của tỉnh trong những năm tới.

Đ/c Hà Đức Tiến - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
trình bày tham luận tại Đại hội

Để phát huy tối đa tiềm năng và nâng cao giá trị của kinh tế rừng giai đon 2015 - 2020, đưa kinh tế rừng thực sự là mũi nhọn để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung. Trong bản tham luận trình bày tại Đại hội, đồng chí Hà Đức Tiến - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu 3 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả giá trị kinh tế rừng:

Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, bao gồm: Tăng cường việc giao đất, giao rừng cho người dân; hỗ trợ phát triển trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh trồng bổ sung rừng, cải tạo rừng tự nhiên; hỗ trợ phát triển hệ thống đường lâm nghiệp cho người dân; hỗ trợ phát triển hệ thống chế biến tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp.

Nhóm các giải pháp về khoa học kỹ thuật: Đầu tư vào chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các loài giống sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; đầu tư vào chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Nhóm các giải pháp về liên doanh, liên kết từ khâu trồng đến chế biến tiêu thụ sản phẩm, gồm đầu tư liên doanh, liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, giữa người trồng rừng với nhau để cung cấp nguyên liệu, giảm các chi phí về mở đường vận xuất, vận chuyển, phòng chống cháy rừng, qua đó gia tăng được giá trị sản xuất kinh tế từ rừng.

Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh, để phát huy tối đa tiềm năng và nâng cao giá trị của kinh tế rừng giai đon 2016 - 2020, đưa kinh tế rừng thực sự là mũi nhọn để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp rất cần có sự vào cuộc chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, sự đón nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật của bà con nông dân để kinh tế rừng thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là một chương trình khung toàn diện nhất để cộng đồng chung sức xây dựng một nông thôn mới hiện đại. Trong đó, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình là một trong những vấn đề được quan tâm. Tham luận tại Đại hội, đồng chí Hoàng Thu Trang - Bí thư Huyện ủy Bạch Thông nhận định: Đối với huyện Bạch Thông, việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới những năm qua còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp nhằm huy động hiệu quả nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 đang là nhiệm vụ được đặt ra cấp thiết hiện nay.

Đ/c Hoàng Thu Trang - Bí thư Huyện ủy Bạch Thông trình bày tham luận tại Đại hội

Để huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, đồng chí Bí thư Huyện ủy Bạch Thông đã chia sẻ một số giải pháp như: Tăng cường chỉ đạo và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn thông qua tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn, tạo ra việc làm, tăng thu nhập; quan tâm tới vai trò của các tổ chức đoàn thể trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới…

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Bạch Thông nhấn mạnh: Thực tế, sau 5 năm triển khai đã cho thấy, chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ trương quan trọng, hết sức đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Huyện Bạch Thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi; đời sống của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 của huyện còn 7,21% (giảm 11,4% so với năm 2010). Đến nay, huyện đã có 6 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí (trong đó có xã Quân Bình đạt 14 tiêu chí); 7 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; 3 xã đạt từ 2 đến 4 tiêu chí. Xã Quân Bình, huyện Bạch Thông đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí để trở thành xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015.

Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác cải cách hành chính

Cải cách hành chính là một trong những việc quan trọng trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính,nhờ đó đã đạt được một số kết quả nhất định trongcải cách thể chế, xây dựng tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá nền hành chính… Tất cả đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong 3 năm qua còn thấp (năm 2012, năm 2013 xếp thứ 58/63 tỉnh, thành; năm 2014 xếp thứ 63/63).Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong bản tham luận về giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện công tác cải cách hành chính của Sở Nội vụ tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI đã chỉ ra công tác cải cách hành chính những năm tới (giai đoạn 2016 - 2020) cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ công chức; đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính;gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính với công tác thi đua khen thưởng và đánh giá cán bộ, công chức hàng năm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức và xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; đẩy mạnh công tác rà soát thủ tục hành chính để bãi bỏ, sửa đổi bổ sung và đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp xã với các hình thức phù hợp để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ; nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động tại các cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ

Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định, công tác cán bộ là một bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng. Vì vậy, những năm qua, công tác quy hoạch cán bộ ở cả 3 cấp được chú trọng thực hiện. Bên cạnh đó, các cấp ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhất là cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp. Đến nay, đội ngũ cán bộ của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình bày tham luận về công tác cán bộ tại Đại hội

Để phát huy tốt các nguồn lực góp phần xây dựng Bắc Kạn phát triển nhanh và bền vững cần xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, có năng lực, tư duy đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nêu trong tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cấp, các ngành và người đứng đầu về công tác cán bộ; đổi mới công tác đánh giá, sử dụng và bố trí cán bộ; tăng cường chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo bước đột phá, góp phần đổi mới sâu sắc công tác đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý lâu dài cho các cấp, các ngành; quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc có kết quả về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiến hành đồng bộ các hoạt động cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ; có cơ chế thu hút người có tài năng, nhất là đội ngũ tri thức, cán bộ khoa học, tri thức trẻ về công tác tại tỉnh.

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Tại tỉnh Bắc Kạn, vấn đề này cũng được UBND tỉnh và các sở ban ngành quan tâm thực hiện.

Trong những năm qua, vị trí xếp hạng của Bắc Kạn trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của cả nước chưa cao. Điều này phản ánh thực tế Bắc Kạn đang còn có những hạn chế nhất định trong chính sách, cơ chế mở cửa đối với môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, để tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở và minh bạch, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện như: Nâng cao nhận thức, trình độ của cán bộ chính quyền các cấp về cải thiện môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh;gắn kết nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh với các chương trình hoạt động của các sở, ban ngành và các huyện, thành phố; chú trọng công tác quảng bá môi trường kinh doanh, cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh tại tỉnh; thực hiện theo thứ tự ưu tiên có lộ trình và cam kết lâu dài; tập trung vào các hành động có tính chất lan tỏa và có tính liên kết với các hoạt động khác; cam kết hành động và giám sát theo dõi quá trình thực hiện.

Việc thực hiện hiệu quả chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Bắc Kạn, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu đưa Bắc Kạn trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.

* * * * *

Tham luận của các đại biểu tại đại hội đã đóng góp những giải pháp quan trọng để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020./.

Hương Lan