PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quốc hội thông qua quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Sáng 29/6, với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,42%), Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có nội dung rất được quan tâm là quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sáng 29/6, với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,42%), Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Luật này quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội (BHXH) và tổ chức thực hiện BHXH; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng BHXH; các chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; quỹ BHXH; bảo hiểm hưu trí bổ sung; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH; quản lý nhà nước về BHXH.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Toàn cảnh phiên họp sáng 29/6 (Ảnh: QH) 

Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định về hưởng BHXH một lần. Kết quả, 456/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,83%); 5/470 đại biểu không tán thành (1,03%); 9/470 đại biểu không biểu quyết (1,85%). Theo đó, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia BHXH, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.

Liên quan nội dung này, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, ngày 18/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lấy Phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Kết quả cho thấy, có 355/487 đại biểu cho ý kiến. Trong đó, có 310/355 đại biểu Quốc hội (chiếm 87,32% số đại biểu cho ý kiến) lựa chọn Phương án 1; có 38/355 đại biểu Quốc hội (chiếm 10,70% số đại biểu cho ý kiến) lựa chọn Phương án 2; có 07/355 đại biểu Quốc hội (chiếm 1,97% đại biểu cho ý kiến) không lựa chọn 1 trong 2 phương án mà đề xuất phương án khác. 

Căn cứ kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo Phương án 1 là phương án được đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn và đây cũng là Phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Theo đó, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia BHXH, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, phương án được đa số đại biểu lựa chọn cũng là phương án có nhiều ưu điểm hơn, như: Bảo đảm tính kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia BHXH nên sẽ hạn chế gây xáo trộn trong xã hội. 

Phương án này thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW “giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí” và hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua. Quy định như dự thảo cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta. 

Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy khi tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Tuy có quy định về việc hưởng BHXH một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận BHXH một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. 

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức lưu ý Chính phủ trong thời gian tới cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như có chính sách tín dụng phù hợp.

Đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động,...) để duy trì ổn định việc làm, thu nhập, tư vấn, kết nối, hướng nghiệp, đào tạo, chuyển nghề để người lao động có việc làm bền vững.

Đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng và những bất lợi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về BHXH của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức thực hiện chính sách… /.

Theo dangcongsan.vn