PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ phát triển
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ và hướng tới xuất khẩu, phấn đấu sản phẩm chế biến gỗ là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong tương lai.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Chế biến gỗ tại Công ty TNHH Lechenwod Việt Nam, Khu công nghiệp Thanh Bình

Lĩnh vực tiềm năng

Bắc Kạn có lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp, với hơn 413.000 ha, chiếm 85% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có rừng hơn 372.000 ha, rừng tự nhiên khoảng 272.000 ha và rừng trồng hơn 100.000 ha, sản lượng gỗ tròn hằng năm đưa vào chế biến đạt 300.000 - 350.000 m3.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 243 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, trong đó có 10 cơ sở chế biến gỗ có quy mô lớn và được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án còn lại là các cơ sở chế biến gỗ có quy mô nhỏ. Ngành công nghiệp chế biến gỗ bước đầu đã sản xuất một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như ván dán, đũa xuất khẩu, viên nén gỗ, đồ mộc dân dụng…

Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần Quang Minh Finance cho biết, năm 2020, Công ty Cổ phần Quang Minh Finance ở tổ 7, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng mua máy móc sản xuất viên nén mùn cưa hay còn gọi là viên nén gỗ để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau 3 năm đi vào hoạt động, dù còn nhiều khó khăn nhưng sản phẩm của Công ty đã có chỗ đứng trên thị trường, năm 2023, Công ty xuất khẩu hơn 3.000 tấn sản phẩm viên nén gỗ, đem lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng.

Một số địa phương có điều kiện thuận lợi về giao thông, vùng nguyên liệu, mặt bằng cũng dần hình thành, phát triển điểm sản xuất gỗ tập trung và tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đơn cử như tại huyện Chợ Mới những năm gần đây trở thành một địa chỉ hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư; Chợ Mới hiện có hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ; qua đó tạo được việc làm tại chỗ cho người lao động địa phương, giúp tiêu thụ, chế biến sâu sản lượng lớn gỗ rừng trồng. Làn sóng đầu tư vào công nghiệp chế biến gỗ đã tác động tích cực đến đời sống người dân, giúp ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Những hạn chế cần sớm được khắc phục

Tuy nhiên, nhìn chung, các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chưa chủ động về nguồn nguyên liệu, chưa hình thành chuỗi sản xuất và thiếu tính ổn định, chưa đa dạng về sản phẩm. Trong đó, việc các cơ sở sản xuất ván bóc, ván mỏng chiếm đa số ảnh hưởng đến tính bền vững của hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn; sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến và người trồng rừng cũng chưa chặt chẽ, chưa gắn kết với chuỗi giá trị; chế biến gỗ quy mô còn nhỏ lẻ, mối liên kết thấp, sản phẩm gỗ chế biến tuy đa dạng song chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chế biến thô, giá trị gia tăng thấp; còn ít cơ sở chế biến gỗ tại tỉnh xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra nước ngoài mà đa số bán cho các công ty khác tại Hà Nội, Hải Phòng…


Một xưởng gỗ bóc tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông

Bên cạnh đó, do số lượng các cơ sở chế biến gỗ tăng nhanh dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào. Ở nhiều địa phương, năng lực chế biến đã vượt khả năng cung ứng nguyên liệu nên xảy ra việc khai thác quá mức, sử dụng cây chưa đủ tuổi, gây lãng phí, tỷ lệ hao hụt cao, có lúc các cơ sở chế biến gỗ còn thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất.

Tác động của tình hình kinh tế thế giới cũng như các cuộc xung đột Nga - Ukraine… cũng làm ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ ván dán của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành quyết định cuối cùng trong vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam, vì thế, thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ ván dán của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn; hiện các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ ván dán trong Khu công nghiệp Thanh Bình phải sản xuất cầm chừng, phục vụ tiêu thụ sản phẩm trong nước và tìm kiếm thêm các thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Tháo gỡ “rào cản”

Với quan điểm phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai, Bắc Kạn xác định cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện phân vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với các cơ sở chế biến. Triển khai công tác hỗ trợ việc liên doanh liên kết giữa cơ sở chế biến gỗ với người trồng rừng để thực hiện việc cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo, vận động người trồng rừng không khai thác rừng trồng khi chưa đến tuổi khai thác. Thực hiện việc thâm canh rừng trồng gỗ nhỏ chuyển hóa sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn để nâng cao giá trị rừng.

Với vai trò nòng cốt trong bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; thực hiện thống kê đầy đủ, kịp thời sản lượng khai thác gỗ trên địa bàn quản lý để cung cấp cho cơ quan Thuế làm căn cứ tính thuế…

Đồng thời, Bắc Kạn tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ với quy mô lớn, công nghệ tiên tiến. Tỉnh đang tập trung đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Thanh Bình, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, trong đó ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất ván dán, viên gỗ nén, hạt gỗ, composite gỗ nhựa, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần… để nâng giá trị sản phẩm, hướng đến xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

Bắc Kạn cũng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông như đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, các tuyến đường lâm nghiệp, hạ tầng logistics… để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và các lĩnh vực tiềm năng khác của địa phương.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ gỗ rừng trồng. Theo báo cáo của Công ty TNHH Lechenwod Việt Nam tại Khu công nghiệp Thanh Bình, trong năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn do đơn hàng giảm so với trước đó nhưng bằng những giải pháp linh hoạt, năng động và với sự nỗ lực không ngừng, đưa dây chuyền mới vào hoạt động, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty quý I/2024 có nhiều khởi sắc; doanh thu hơn 80 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hơn 1,6 triệu USD…

Để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ, tại các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh, Bắc Kạn tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với tỉnh để thiết lập các cơ sở sản xuất, nhà máy sản xuất công nghiệp từ gỗ rừng trồng nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho nguồn nguyên liệu gỗ của địa phương./.

Thu Cúc