PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tiếp tục nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý
Nhiều năm qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh không ngừng được đổi mới, nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng, qua đó góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trung tâm TGPLNN tỉnh phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội
và đại biểu Hội đồng nhân dân tại thôn Lủng Vài, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn (Ảnh ST)

Trong thời gian 5 năm (2017 - 2022), Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Bắc Kạn (Trung tâm) đã phối hợp với UBND cấp xã, Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức 240 điểm truyền thông về TGPL với 9.111 lượt người tham dự; in ấn và cấp phát miễn phí 95.500 tờ gấp về TGPL; biên soạn và phát hành 1.421 cuốn “Sổ tay Hỏi - Đáp pháp luật về TGPL”; 675 cuốn “Sổ tay pháp luật về TGPL”. Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông các huyện xây dựng 502 chuyên mục truyền thông về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng chương trình "TGPL chỗ dựa tin cậy cho người yếu thế"; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh truyền thông về TGPL cho 610 đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Những hoạt động này góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL và giảm thiểu những vấn đề bức xúc diễn ra trong đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan nhà nước về chức năng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và sự cần thiết của TGPL đã được nâng cao và ngày càng nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã thụ lý 160 vụ việc; đã hoàn thành 155 vụ (trong đó tham gia tố tụng 151 vụ, tư vấn pháp luật 4 vụ). Tỷ lệ vụ việc thành công được Trung tâm thực hiện ngày càng cao. Để nâng cao chất lượng công tác TGPL, Trung tâm tổ chức thẩm định chất lượng tất cả các vụ việc; qua thẩm định, chất lượng 100% vụ việc TGPL đều xếp loại đạt trở lên. Người thực hiện TGPL khi bào chữa hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Chất lượng nguồn nhân lực thực hiện TGPL cũng ngày càng được nâng lên. Hàng năm, Sở Tư pháp chỉ đạo tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, cộng tác viên TGPL, chuyên viên của Trung tâm. Ngoài ra, cử viên chức tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II. Từ khi triển khai Luật TGPL năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã thực hiện bổ nhiệm mới 1 trợ giúp viên pháp lý; miễn nhiệm, thu hồi thẻ của 3 trợ giúp viên pháp lý do thôi việc hoặc chuyển công tác.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 7 luật sư, trong đó 3 luật sư của Đoàn luật sư tỉnh Bắc Kạn đang ký hợp đồng với Trung tâm TGPL Nhà nước. Cả tỉnh có 6 tổ chức hành nghề luật sư và 1 trung tâm tư vấn pháp luật. Từ năm 2018 đến hết tháng 6/2022, luật sư tham gia TGPL trên địa bàn tỉnh thực hiện 62 vụ việc/tổng số 1.434 vụ việc TGPL được thụ lý. So với trước khi triển khai Luật TGPL năm 2017, số vụ việc TGPL do luật sư thực hiện tăng hơn. Tuy nhiên, số vụ việc TGPL do luật sư thực hiện từ năm 2018 đến nay mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng vụ việc TGPL trên địa bàn tỉnh; đa số các vụ việc TGPL do đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các luật sư của Đoàn luật sư tỉnh Bắc Kạn hiện nay đều là những người sau khi nghỉ hưu mới tham gia hành nghề luật sư, độ tuổi từ 56 đến trên 60 tuổi, sức khỏe hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến việc tham gia TGPL.

Ðể công tác TGPL đạt hiệu quả tốt hơn, trong thời gian tới, ngành Tư pháp tỉnh sẽ tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các chính sách TGPL miễn phí đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục triển khai hoạt động truyền thông về TGPL dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, chú ý đến các đối tượng đặc thù; chú trọng cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hiện TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL, đặc biệt là kỹ năng tham gia tố tụng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động TGPL./.

Ngọc Tú