PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xu hướng lựa chọn học nghề để khởi nghiệp
Những năm gần đây, học đại học không còn là lựa chọn duy nhất của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn học nghề để bắt đầu con đường khởi nghiệp.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tốt nghiệp chuyên ngành cắt gọt kim loại khoá 8, năm 2013 của Trường Cao đẳng Bắc Kạn, anh Bế Ngọc Liêu ở thôn Choong, xã Phương Viên (Chợ Đồn) đã tạo dựng được cho mình được một cơ ngơi khang trang từ chính nghề đã học.

Anh Liêu (thứ 4 từ trái qua) được vinh danh sinh viên khởi nghiệp thành công của Trường Cao đẳng Bắc Kạn 

Hiện tại, anh là chủ xưởng cơ khí Thiện Nhân - chuyên thi công, lắp đặt các công trình kết cấu nhà xưởng, hoàn thiện hệ thống nội thất các công trình. Nhờ sự cẩn thận, tỉ mỉ trong khâu thi công, giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, xưởng của anh được mọi người tin tưởng, giới thiệu, dần có chỗ đứng trên thị trường. Không ngồi một chỗ chờ khách hàng tìm đến, anh Liêu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chất lượng công trình trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo... để nhận được nhiều đơn hàng. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí thuê nhân công, vật liệu, anh thu về khoảng hơn 200 triệu đồng tiền lãi.

Anh Bế Ngọc Liêu chia sẻ, học đại học hay học nghề đều không quan trọng mà hiệu quả việc học đem lại như thế nào cho tương lai, cuộc sống và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mỗi gia đình để trở thành người có ích, tự lao động để ổn định cuộc sống mới là điều quan trọng nhất.

Khác với bạn bè cùng trang lứa, thanh niên Hoàng Văn Xuân, dân tộc Mông tại xã Bằng Thành (Pác Nặm) sau tốt nghiệp THPT đã không thi đại học mà chọn Trường Cao đẳng Bắc Kạn là nơi bắt đầu thực hiện ước mơ.

Được biết, gia đình Xuân có hoàn cảnh khó khăn, bố mất khả năng lao động, mẹ đi làm thuê, cả nhà dựa vào nguồn thu nhập của mẹ. Anh trai của Xuân phải nghỉ học sớm để lao động lấy tiền phụ mẹ nuôi các em trong gia đình.

Ý thức được hoàn cảnh gia đình từ nhỏ, Xuân quyết định lựa chọn học nghề bởi trước đấy em đã tìm hiểu và biết được khi tham gia học tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn sẽ không mất học phí mà còn được trợ cấp xã hội hằng tháng, được hỗ trợ ở ký túc xá, được học cả hệ giáo dục thường xuyên và nghề nên em đăng ký theo học để phụ giúp mẹ đỡ vất vả. Hiện em đang theo học hệ Trung cấp ngành chế biến món ăn K19 của Trường Cao đẳng Bắc Kạn.

Trong quá trình theo học, Xuân được cô giáo chủ nhiệm giới thiệu làm thêm vào các buổi tối tại một nhà hàng kinh doanh phục vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Bắc Kạn. Nhờ vậy, Xuân có cơ hội được học tập và phát huy những kỹ năng nghề học tại trường. Hiện Xuân đang có mức lương 4 triệu đồng/tháng nên em có thể phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học và trang trải phần nào chi phí sinh hoạt.

Những suy nghĩ, lựa chọn học nghề của anh Liêu, của Xuân cũng là suy nghĩ của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Trước đây, ai cũng quan niệm phải có bằng đại học mới xin được việc tốt, thu nhập cao nhưng thực tế đã chứng minh, có nhiều bạn trẻ thành công khi lựa chọn học nghề.

Bà Chu Thị Thủy - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho biết, cùng với những chính sách hỗ trợ bước đầu của nhà trường, doanh nghiệp, số lượng học sinh lựa chọn trường nghề đã tăng lên trong những năm gần đây.

Học đại học hay học nghề là câu hỏi trăn trở trước mỗi Kỳ thi tốt nghiệp THPT của rất nhiều học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, dù lựa chọn học đại học hay học nghề, các bạn trẻ cũng cần xác định được thế mạnh của bản thân, nhu cầu thực tế của địa phương, tránh lựa chọn nghề theo xu hướng, sở thích nhất thời. Lựa chọn học nghề cần xuất phát từ mong muốn lập nghiệp và cống hiến trên quê hương./.

Thu Trang