PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai
Năm 2020 được dự báo tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Năm 2019, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các loại hình thiên tai như rét hại, tố lốc, mưa đá, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ. Thiên tai đã làm 02 người chết và 08 người bị thương; 2.832 ngôi nhà và 32 phòng học bị hư hỏng; trên 734 ha cây trồng bị thiệt hại… Ước thiệt hại về hoa màu, tài sản năm 2019 do thiên tai gây ra trên 51 tỷ đồng.


Người dân thôn Lọ Cặp, xã Sỹ Bình (huyện Bạch Thông) trồng dặm thuốc lá bị hỏng
sau trận mưa đá đêm 24/01/2020

Năm 2020, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã phân giao nhiệm vụ cho các đơn vị, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác PCTT; tiếp nhận và triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương kịp thời đến các đơn vị, địa phương trong tỉnh; UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố, các ngành chủ động chuẩn bị phương án đối phó với thiên tai…. Ban chỉ huy PCTT-TKCN từ cấp tỉnh đến xã được rà soát, kiện toàn kịp thời, đúng quy định; các thành viên Ban chỉ huy được phân công nhiệm vụ cụ thể theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, ngành thành viên.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ thiên tai cao để xây dựng phương án chủ động phòng tránh; xây dựng kế hoạch cụ thể theo phương châm “bốn tại chỗ” để thực hiện khi có thiên tai xảy ra. Qua số liệu rà soát, toàn tỉnh có khoảng 376 điểm với 2.115 hộ dân tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai, trong đó nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng tới 1.549 hộ; lũ quét, lũ ống 203 hộ; ngập úng 363 hộ; về mức độ nhóm hộ tiềm ẩn nguy cơ rất cao là 160 hộ; nguy cơ cao là 939 hộ; trung bình là 1.016 hộ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng, dự kiến một số tình huống thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh để có biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời gắn với phương châm “bốn tại chỗ”; giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các địa phương sẵn sàng lực lượng, có kế hoạch chủ động phương tiện, thiết bị; thuốc men; nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Công tác bảo vệ hồ đập, công trình xung yếu được tỉnh Bắc Kạn quan tâm. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát kiểm tra các công trình trước, trong, sau mùa mưa lũ, đặc biệt là các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện, dự phòng phương tiện, vật tư chủ động ứng phó khi có sự cố, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du; xây dựng phương án bảo vệ công trình, phương án ứng phó thiên tai cho đập, vùng hạ du; các phương án được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt giông, lốc làm hư hỏng hàng nghìn ngôi nhà của người dân và nhiều phòng học. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp chằng chống nhà để hạn chế các thiệt hại về nhà ở do tố lốc gây ra.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh), đầu năm 2020, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn rất phức tạp, khó lường; các hình thái thiên tai như mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, tài sản của nhân dân. Tính đến hết tháng 5/2020, thiên tai đã làm 04 người bị thương, hư hỏng 5.824 ngôi nhà, 18 phòng học, 23 công trình công cộng, 944 ha cây trồng, gần 40.000 m3 đất đá sạt lở, tổng thiệt hại ước tính khoảng 33,4 tỷ đồng. Điển hình như trận mưa đá kèm theo dông lốc đêm 24 và ngày 25/01/2020 (đêm 30 và ngày mùng một tết Nguyên đán) đã gây thiệt hại 3.502 ngôi nhà, 10 phòng học, 139 ha cây trồng, ước tính thiệt hại khoảng 15,9 tỷ đồng.

Khi xảy ra thiên tai, các cấp chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị và nhân dân chủ động phòng tránh, khắc phục kịp thời, hiệu quả với phương châm “bốn tại chỗ”. Đối với thiệt hại về nhà ở, sản xuất của nhân dân, chính quyền địa phương và người dân đã huy động các lực lượng tại chỗ để giúp nhân dân dọn dẹp, sửa chữa, dựng lại nhà cửa; hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ nhân lực để chăm sóc cây trồng, cung ứng giống vật tư nông nghiệp để gieo cấy lại hoặc chuyển sang cây trồng khác phù hợp với thời vụ. Đối với thiệt hại về cơ sở hạ tầng, các cơ quan, đơn vị chủ động huy động lực lượng, nguồn lực được giao để khắc phục. Riêng ngành Giao thông chủ động thông xe bước 1 để đảm bảo công tác chỉ đạo, ứng cứu các khu vực bị chia cắt bởi thiên tai.

Tuy nhiên với đặc điểm, điều kiện tự nhiên rất khó khăn, thiệt hại lớn, phạm vi rộng nên khả năng khắc phục của địa phương rất hạn chế. Vì vậy phần lớn việc khắc phục thiệt  hại, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, tỉnh phải báo cáo Trung ương hỗ trợ. Riêng đợt lốc kèm theo mưa đá ngày 24, 25/01/2020, UBND tỉnh đã quyết định sử dụng hơn 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương để hỗ trợ 1.724 hộ dân bị thiệt hại về nhà ở từ 30% trở lên, để lợp lại mái nhà bằng tôn cứng.

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu, công tác PCTT-TKCN của tỉnh đang được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng. Công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh thiên tai đến cộng đồng dân cư được các đơn vị, địa phương tăng cường để chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, chuẩn bị các phương án phòng tránh hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trước tình huống thiên tai có thể xảy ra, góp phần hạn chế những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra./.

Hương Dịu