PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/07/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn: Công nghiệp chế biến từng bước trở thành ngành công nghiệp chính
Với sự quan tâm chỉ đạo đúng hướng của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành công nghiệp của tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 50% ngành công nghiệp của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sản xuất gỗ tại Công ty CP Đầu tư Govina (Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới)

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đã định hướng tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng. Do đó, cơ cấu phát triển nội ngành công nghiệp phát triển theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo số liệu của Sở Công Thương, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo những năm qua luôn chiếm tỷ trọng trên 50% trong ngành công nghiệp; tỷ trọng tăng từ 53,48% năm 2015 lên 65,72% năm 2020. Đây cũng là lĩnh vực có mức tăng trưởng bình quân cao nhất trong nội ngành công nghiệp của tỉnh, ước đạt 16,64%/năm.

Nổi bật trong công nghiệp chế biến, chế tạo là khu vực chế biến nông, lâm sản, dược liệu. Những năm qua, tỉnh đã thu hút được một số dự án chế biến nông, lâm sản có quy mô như: Dự án nhà máy chế biến gỗ Bắc Kạn công suất 120.000 m3 ván dán các loại/năm của Công ty Cổ phần Đầu tư Govina; dự án chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam công suất 30.000 m3 ván dán/năm, 200.000 m3 ván sàn/năm; dự án đầu tư sản xuất chế biến gỗ công suất 12.000 m3 sản phẩm ván dán/năm; 3.000 m3 sản phẩm ván ghép thanh/năm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc; dự án chế biến nông sản công suất 2.000 tấn/năm (mơ, kiệu, gừng, măng) của Công ty TNHH Việt Nam Misaki... Các dự án đi vào hoạt động sản xuất tương đối ổn định, đã tạo ra một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm Cao gắm Bảo An của HTX Đức Mai

Được quan tâm đầu tư, nhiều nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, không ngừng nâng cấp, đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng phục vụ trong nước và hướng đến xuất khẩu. Tỉnh Bắc Kạn đã có sản phẩm đầu tiên là Miến dong Tài Hoan của Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan được công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia năm 2020. Bên cạnh đó, còn nhiều HTX hoạt động ổn định, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường như: HTX Côn Minh, HTX Đồng Tâm (Na Rì); HTX chè Thiên Phúc (Chợ Đồn); HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang, HTX Hương Ngàn, HTX Thiên An (Bạch Thông); HTX Thanh niên Như Cố (Chợ Mới); HTX Nhung Lũy (Ba Bể)… Các HTX đều đầu tư và tiêu thụ hiệu quả nông sản của bà còn nông dân, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tương đối ổn định.

Cùng với ngành hàng gỗ và chế biến lâm sản, ngành hàng trồng và chế biến dược liệu được tỉnh Bắc Kạn định hướng tham gia trục sản phẩm quốc gia. Chính vì vậy, những năm qua, chế biến dược liệu được tỉnh quan tâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cơ sở sản xuất dược liệu có sản phẩm đảm bảo về chất lượng, được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên như: HTX Đức Mai (Bạch Thông) có 1 sản phẩm OCOP 3 sao là Cao gắm Bảo An; HTX Hòa Thịnh (Chợ Đồn) có sản phẩm OCOP 3 sao là Trà Hoa vàng; HTX Thiên An (Bạch Thông) có 3 sản phẩm OCOP 3 sao là An Mộc Nhi, Phục Dưỡng Hoa, Mộc Vượng Xuân…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Hải thị sát hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn

Đối với khu vực chế biến khoáng sản, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 nhà máy/xưởng luyện chì đang hoạt động. Tuy nhiên, các nhà máy/xưởng luyện chì đều hoạt động không đạt công suất thiết kế do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Năm 2020, tổng sản phẩm chì thô của các nhà máy/xưởng luyện chì trên địa bàn tỉnh sản xuất ước đạt 7.150 tấn, chỉ đạt khoảng 43,3% công suất thiết kế.

Về phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, toàn tỉnh hiện có trên 150 cơ sở sản xuất nhưng hầu hết là có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, có một số nhà máy sản xuất gạch xây dựng đã đầu tư dây chuyền sản xuất hoạt động khá hiệu quả, có sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Nhà máy sản xuất gạch Tuynel, xã Quân Hà (Bạch Thông) hoạt động khá hiệu quả,
sản phẩm được người dân tin dùng

Ngoài ra, trong khu vực chế biến, chế tạo khác (sản xuất cơ khí, sản xuất các sản phẩm đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ, dịch vụ sửa chữa, bảo hành máy và thiết bị…) cũng đang được phát triển. Riêng năm 2020, khu vực này chiếm tỷ trọng trên 26% trong ngành công nghiệp.

Tỉnh Bắc Kạn xác định, trong giai đoạn 2020 - 2025 phát triển công nghiệp trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và một số ngành có lợi thế của địa phương. Thực hiện chủ trương trên, hiện nay, Sở Công Thương đang xây dựng Đề án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo điều kiện thu hút, kêu gọi các dự án công nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm sản. Dự kiến tại Hội nghị lần thứ tư sắp diễn ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII sẽ xem xét thông qua Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh./.

Hương Dịu