PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/08/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên
Những năm qua, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng quan tâm. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện tốt công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên toàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết việc làm cho trên 50.870 người lao động trong độ tuổi thanh niên; đào tạo nghề cho trên 44.920 thanh niên trên địa bàn tỉnh. Riêng đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp, giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh tuyển mới và đào tạo được 3.421 học sinh trình độ trung cấp; 768 sinh viên trình độ cao đẳng. Tăng tỷ lệ thời gian lao động của thanh niên ở nông thôn lên 80%.

Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp tổ chức tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Trong 10 năm đã tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho 15.000 người, giới thiệu việc làm cho 5.800 người. Công tác định hướng nghề, dạy nghề và giới thiệu việc làm được tổ chức chú trọng chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của người lao động.

Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử, in tờ rơi, in sổ tay với nội dung tuyên truyền chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề đào tạo, thông tin về thị trường lao động, việc làm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… được chú trọng thực hiện. Ngoài ra, các nhà trường phối hợp với các cơ sở đào tạo đã tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho trên 20.000 học sinh khối trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Hằng năm, Tỉnh đoàn phối hợp với ngành Giáo dục và các ngành liên quan tổ chức tư vấn trực tiếp cho hơn 3.000 đoàn viên thanh niên, phụ huynh của 15 trường trung học phổ thông trong toàn tỉnh về những điểm cơ bản trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, thông tin về nhu cầu nhân lực mà các ngành đang cần, định hướng cho đoàn viên thanh niên lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội, đối thoại với đoàn viên thanh niên những vấn đề về nghề nghiệp, việc làm. Nhằm hỗ trợ thanh niên nông thôn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các cấp bộ Đoàn phối hợp tổ chức được 250 lớp tập huấn về chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 10.000 đoàn viên thanh niên, qua đó kịp thời cung cấp kiến thức về cách thức trồng, chăm sóc một số cây, con thế mạnh của địa phương, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho đoàn viên thanh niên.  


Thanh niên Bắc Kạn hoàn thành khóa tập huấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh tổ chức tháng 5/2020

Thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên nông thôn lập nghiệp, làm giàu”, gắn với chương trình thanh niên khởi nghiệp từ Đề án “mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP, tỉnh đã phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực giải quyết việc làm cho cán bộ Đoàn, triển khai Đề án 103 về “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, giai đoạn 2008-2015”, tập huấn khởi sự kinh doanh và lập nghiệp cho hơn 500 cán bộ, đoàn viên thanh niên. Qua đó nhận thức của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm được nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 205 mô hình kinh tế của thanh niên, 33 tổ hợp tác, 25 hợp tác xã (HTX) do thanh niên làm chủ, tích cực góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới), HTX Nhung Lũy (Ba Bể), HTX Dược liệu Bảo Châu (Na Rì), HTX Hồng Hà (Chợ Đồn)…

Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã tổ chức được 332 lớp đào tạo nghề cho 9.584 học viên là đoàn viên thanh niên nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ như: Tập huấn và triển khai thực hiện Đề án đàn lợn nái móng cái thuần giai đoạn 2012-2015; tập huấn và thực hiện đề tài nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và biện pháp phòng trừ sâu ong hại cây Mỡ tại tỉnh Bắc Kạn; tập huấn về kiến thức vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; lớp nghề nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn, kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rừng, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật sản xuất phân vi sinh; các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng rau công nghệ cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn.

Bên cạnh đào tạo nghề, các chương trình tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế, tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên cũng được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như đảm nhận xây dựng các công trình của địa phương, vay vốn để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội do Tỉnh đoàn quản lý là 193,786 tỷ đồng với 266 tổ tiết kiệm vay vốn, quản lý 1.744 triệu đồng vốn giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn cho 28 dự án phát triển sản xuất.

Toàn tỉnh có 280 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, có 402 mô hình cho thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên và 162 mô hình cho thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như mô hình kinh tế của anh Lộc Văn Huyến xã Côn Minh, năm 2009, anh đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Rì để xây dựng nhà xưởng, đầu tư mua máy xay xát chế biến tinh bột dong riềng. Anh còn đào hơn 1.500 m2 ao để thả cá, nuôi vịt phục vụ nhu cầu gia đình và bà con nông dân. Mỗi năm, mô hình kinh tế này đã giúp anh thu về 60 triệu đồng. Năm 2012, anh đã đầu tư xây dựng HTX sản xuất và chế biến tinh bột dong riềng để tiêu thụ sản phẩm củ dong cho bà con và cung cấp tinh bột dong, miến dong cho thị trường. Với diện tích nhà xưởng lên đến 1.000 m2 với tổng mức đầu tư 200 triệu đồng, hợp tác xã của anh mỗi ngày có thể đạt năng suất hơn 2 tấn tinh bột dong riềng và 100 kg miến dong, tạo việc làm cho 12 lao động, chủ yếu là đoàn viên thanh niên tại địa phương theo mùa vụ, với thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, HTX miến dong của anh cho thu nhập từ 120 triệu đồng/năm.

Có thể nói, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, bước đầu đã đáp ứng nhu cầu xã hội hóa và đa dạng về loại hình, ngành nghề, mang lại kết quả thiết thực. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ thanh niên nông thôn có chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn, Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Mở rộng các hình thức tư vấn nghề, nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, từ đó định hướng cho thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp năng lực, sở trường. Đồng thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho thanh niên phát triển kinh tế. Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề; chú trọng xây dựng, biểu dương những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình./.

Thu Trang