PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/12/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn: Nhiều tiềm năng kinh doanh tín chỉ các-bon
Với tỷ lệ che phủ rừng đứng đầu cả nước, ngành Lâm nghiệp Bắc Kạn đang có cơ hội rất lớn để tiếp cận với thị trường kinh doanh tín chỉ các-bon (CO2) của thế giới.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tỷ lệ che phủ rừng đứng đầu cả nước là điều kiện tốt để Bắc Kạn tiếp cận với thị trường kinh doanh
tín chỉ các-bon của thế giới (Ảnh: Rừng trồng tại huyện Chợ Mới)

Tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích tự nhiên 485.996 ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp chiếm 88,2%; diện tích đất lâm nghiệp có rừng 372.666 ha, chiếm 89% diện tích đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng là 73,4%. Tổng trữ lượng rừng tự nhiên đạt trên 26.000.000 m3, bình quân 95 m3/ha. Tổng trữ lượng rừng trồng 9.993.700 m3, bình quân 100 m3/ha.

Diện tích đất lâm nghiệp lớn và độ che phủ cao mang lại cho Bắc Kạn lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ liên quan đến lâm nghiệp, đặc biệt là điều kiện để tiếp cận thị trường kinh doanh tín chỉ các-bon.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình UN-REDD giai đoạn II tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực và truyền thông nhằm trang bị cho người dân cũng như cán bộ một số địa phương những kiến thức cơ bản về cơ chế giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng (REDD+); thực hiện một số bước chuẩn bị để thực thi được cơ chế này. Chương trình thực hiện thí điểm REDD+ gắn với chia sẻ lợi ích tại 3 xã, với diện tích 4.473 ha rừng đã góp phần tăng thêm thu nhập gần 3 tỷ đồng cho trên 500 hộ tham gia. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để tỉnh Bắc Kạn có thể tiếp cận với thị trường tín chỉ các-bon thế giới, từ đó khai thác hiệu quả lợi thể về rừng và đất rừng của tỉnh.

Nhận thấy những tiềm năng phát triển kinh tế từ rừng nói trên, hiện nay, tỉnh đang triển khai một số chính sách liên quan đến quản lý lâm nghiệp và huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án ở cấp Trung ương đến cấp địa phương để thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp của tỉnh.

Cùng với đó, Bắc Kạn đã và đang thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ, rừng sản xuất cho cộng đồng và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ và Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với mức khoán trung bình 400.000 đồng/ha/năm. Tổng nhu cầu ngân sách hằng năm (trong giai đoạn 2016 - 2020) để thực hiện những nội dung này khoảng từ 60 - 65 tỷ VNĐ.

Công tác phát triển rừng cũng được triển khai thực hiện tốt. Trung bình mỗi năm, Bắc Kạn trồng được khoảng 7.000 ha rừng; tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện Kế hoạch phát triển lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025.

Vườn ươm cây giống tại huyện Chợ Mới đảm bảo chất lượng cho công tác trồng rừng

Việc tiêu thụ và chế biến lâm sản đang có nhiều triển vọng. Trên địa bàn tỉnh có các nhà máy chế biến gỗ chủ yếu từ nguồn nguyên liệu là rừng trồng gồm: Nhà máy Chế biến gỗ Govina; Nhà máy Chế biến gỗ Lechenwood Việt Nam tại Khu Công nghiệp Thanh Bình; nhà máy chế biến gỗ Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn và hàng trăm cơ sở chế biến gỗ nhỏ lẻ... đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng bền vững.

Về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh đã tiến hành xác định diện tích, trạng thái, chủ rừng tại lưu vực sông Năng cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Tuyên Quang và Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa (gồm các xã thuộc huyện Ba Bể, Pác Nặm, một số xã thuộc huyện Chợ Đồn và huyện Ngân Sơn) với tổng diện tích khoảng 115.800 ha để thực hiện việc thanh toán tiền bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng có diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng với đơn giá bình quân 73.600 đồng/ha.

Với diện tích rừng tự nhiên rừng và rừng trồng tương đối lớn và chủ yếu được các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân và các ban quản lý rừng đặc dụng quản lý, sử dụng ổn định, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ, không có hoạt động khai thác gỗ rừng tự nhiên do hiện nay Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030. Về cơ bản, những diện tích này đã được rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ, không có tranh chấp. Do vậy, hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu về diện tích phát triển của các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước. Đây chính là những yếu tố quan trọng để Bắc Kạn có thể thu hút và kêu gọi sự quan tâm và đầu tư từ các công ty, tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực lâm nghiệp.

Vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã có cuộc họp với Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD để khảo sát tiềm năng kinh doanh tín chỉ các-bon. Với tiềm năng sẵn có, việc xây dựng, thiết lập hệ thống tín chỉ các bon từ rừng tự nhiên và rừng trồng để hướng tới thị trường kinh doanh tín chỉ các-bon là một hướng đi mới mà tỉnh Bắc Kạn mong muốn ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Tỉnh Bắc Kạn mong nhận được ngày càng nhiều sự hợp tác, đầu tư để giúp tỉnh cụ thể hóa mục tiêu kinh doanh tín chỉ các-bon rừng.

Tín chỉ các-bon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động REDD+. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ các-bon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường các-bon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD+.

Tín chỉ các-bon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ các-bon được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2, gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e).

Hương Lan