PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế năm 2020
Do chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều chỉ số kinh tế của tỉnh Bắc Kạn 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, hoặc có mức tăng thấp hơn so cùng kỳ năm 2019. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, Bắc Kạn đang quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 4,4% trong năm 2020, góp phần cùng cả nước duy trì ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo thống kê của UBND tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 36,1% kế hoạch và bằng 96% so với cùng kỳ 2019. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động văn hóa, du lịch phải tạm dừng trong thời gian dài; tổng lượt khách đến tỉnh chỉ đạt 19,1% so với kế hoạch, bằng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn nên công nghiệp tăng trưởng chậm; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2020 đạt 43% kế hoạch…; thu ngân sách trên địa bàn thấp, chỉ đạt 40,7% kế hoạch Trung ương giao và 38,4% kế hoạch tỉnh giao, bằng 82,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, cùng với cả nước, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang dần ổn định và hoạt động trở lại

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 đã đề ra, từ nay đến cuối năm, Bắc Kạn đồng thời thực hiện 02 nhiệm vụ song song là vừa tiếp tục phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó tập trung thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và triển khai thực hiện các chính sách cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động trước tác động bởi dịch bệnh Covid-19; đôn đốc các dự án công nghiệp, các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh để đóng góp cho tăng trưởng.

Quyết liệt chỉ đạo giải ngân các nguồn vốn đầu tư năm 2020 để làm đòn bẩy tạo đà cho các lĩnh vực khác tăng trưởng. Tính đến hết ngày 15/7/2020, toàn tỉnh đã giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2020 được trên 630 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch, trong đó: Vốn trong nước giải ngân đạt 29%, vốn nước ngoài đạt 16%. Nguồn vốn còn lại rất lớn, do đó, UBND tỉnh đang tăng cường công tác chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc cam kết tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao; khẩn trương hoàn thành các công trình, dự án theo đúng kế hoạch…

Cùng với đó, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng bám sát thị trường, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hoạt động dịch vụ - thương mại nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát, bình ổn giá thịt lợn thành phẩm trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất; thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, nâng cao chất lượng du lịch để thực hiện kích cầu du lịch.

Các địa phương, đơn vị chuyên môn tập trung rà soát các nguồn thu ngân sách, khai thác các nguồn thu phát sinh trên địa bàn để quản lý chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời ngân sách nhà nước. Thực hiện các giải pháp tích cực huy động vốn, mở rộng tín dụng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.../.

Thu Cúc