PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/06/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn quan tâm phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, hiện nay có 03 nghề và 32 làng nghề. Thời gian qua, các nghề, làng nghề không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn mang những giá trị văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Vì vậy, việc lưu giữ và phát triển nghề và làng nghề là hết sức cần thiết.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày tại huyện Ba Bể

Trong quá trình hội nhập, có những nghề, làng nghề đã tìm ra hướng đi riêng, từng bước củng cố, lớn mạnh dần và vươn xa. Tuy nhiên, cũng có những làng nghề trong tỉnh không theo kịp với quá trình thay đổi, nhu cầu của thị trường nên dần bị thu hẹp, mai một và mất đi. Vì vậy, để nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh được lưu giữ và phát triển, từ nhiều năm trước, UBND tỉnh đã rất quan tâm đến việc bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống của địa phương. Đơn cử như năm 2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày” tại huyện Ba Bể và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 10/9/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 1515/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020”, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thực hiện mở lớp truyền dạy Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày tỉnh Bắc Kạn tại huyện Ba Bể và huyện Pác Nặm, đồng thời xây dựng phim tư liệu quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể “Nghề dệt thủ công truyền thống của Người Tày” tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, tại một số xã quanh vùng hồ Ba Bể, nhiều gia đình người Tày bên cạnh việc kinh doanh du lịch homestay đã biết duy trì khung dệt thủ công truyền thống để giới thiệu, hướng dẫn du khách trải nghiệm phương thức dệt vải cổ truyền của tộc người, đồng thời tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.

Cùng với bảo tồn, hiện Bắc Kạn đang triển khai các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên phát triển ngành nghề gắn với tổ chức đại diện của nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác. Đặc biệt, sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), đến nay, trên địa bàn tỉnh nhiều nhóm ngành nghề ở nông thôn ngày càng phát triển, nhất là trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông - lâm như: Sản xuất miến dong, phở khô, bún khô, măng khô, mật ong, lạp xưởng, rượu men lá…

Tuy nhiên, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay nhìn chung vẫn còn phát triển chậm, mang tính tự phát ở quy mô nhỏ lẻ, định hướng chưa rõ ràng, chưa có quy hoạch cụ thể, sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, ít sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; cơ sở ngành nghề nông thôn đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nhiều cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư để sản xuất, nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh chủ yếu là vốn tự có của các hộ gia đình; lao động ngành nghề nông thôn chủ yếu chưa qua đào tạo, lao động có tay nghề cao còn thiếu, một số chương trình đào tạo nghề chưa có chiều sâu…

Vì vậy, để bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề, tháng 5/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Mục tiêu hướng tới của tỉnh là nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong tổng giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn; nâng cao chất lượng, bao bì, nhãn mác sản phẩm ngành nghề, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; bảo tồn, khôi phục, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đi đôi với phát triển nghề mới phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương, gắn với du lịch nông thôn và bảo vệ môi trường; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân… Theo Kế hoạch, Bắc Kạn sẽ tập trung ưu tiên phát triển 04 nhóm ngành nghề chủ yếu, gồm: Chế biến, bảo quản nông - lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh và các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn... Phấn đấu đến năm 2025 sẽ khôi phục, phát triển, công nhận tối thiểu được 01 nghề truyền thống và 15 làng nghề./.

Thu Cúc