PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/12/2016
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn sau 20 năm tái lập: Hệ thống Giao thông - Vận tải phát triển đồng bộ
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống giao thông vận tải tỉnh không ngừng được được quan tâm đầu tư và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống giao thông vận tải tỉnh không ngừng được được quan tâm đầu tư và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bức tranh giao thông ngày tái lập tỉnh

Tại thời điểm tái lập tỉnh (1997), Bắc Kạn có 02 tuyến Quốc lộ đi qua là Quốc lộ 3 dài 126km và Quốc lộ 279 đi qua các huyện Na Rỳ, Ba Bể, Ngân Sơn. Hệ thống tỉnh lộ chỉ có 03 con đường: Tỉnh lộ 256 từ Bắc Kạn đến Na Rỳ, thuộc đường cấp 5 với chiều dài khoảng 70km, trước khi tách tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng; tỉnh lộ 257 từ Bắc Kạn đi Chợ Đồn, đường cấp 6 với chiều dài 45km, đường hẹp, quanh co liên tục; tỉnh lộ 258 từ thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông đi Ba Bể, đường cấp 6 với chiều dài 60km, đường dốc quanh co. Hệ thống cầu cống đã cũ không đáp ứng được yêu cầu, một số nơi vượt sông bằng cầu treo. Toàn tỉnh có 16 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; hàng hóa chủ yếu được vận chuyển trên những con đường mòn khai thác lâm sản và đường dân sinh, vì thế việc đi lại hết sức khó khăn và nguy hiểm.

Đối với lĩnh vực vận tải, toàn tỉnh chỉ có 60 ô tô, hệ thống bến bãi sơ sài, chật hẹp, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì.

Nhận thấy được tầm quan trọng của giao thông - vận tải đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 9/1997 đã xác định “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển mạng lưới điện, mở mang và nâng cấp mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu trước mắt và chuẩn bị cho bước phát triển của các kế hoạch 5 năm tiếp theo”.

Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông - vận tải

Từ năm 1997 - 2000, Bắc Kạn tập trung vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhiều công trình và phát động phong trào tu sửa, làm đường giao thông nông thôn trong nhân dân. Các tuyến đường tỉnh lộ như đường Bắc Kạn - Yến Lạc (Na Rỳ), đường 257 Bắc Kạn - Chợ Đồn, đường 258 Phủ Thông (Bạch Thông) - Ba Bể và đường Thượng Giáo - Bộc Bố được nhựa hóa; xây dựng 5 kè bảo vệ nền đường 257, khoảng gần 10km đường nội thị với tổng giá trị đạt 21 tỷ đồng; hoàn thành xây dựng cầu dây văng Thác Giềng và hơn 10km đường vành đai thị xã với tổng giá trị đạt 14 tỷ đồng; mở mới và nâng cấp nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã như đường Sáu Hai - Thanh Mai - Nông Thượng; đường Nam Mẫu - Quảng Khê, Bộc Bố - Bằng Thành huyện Ba Bể; đường Yên Đĩnh - Bình Văn - Yên Hân - Yên Cư huyện Chợ Mới; đường Sỹ Bình - Vũ Muộn - Cao Sơn huyện Bạch Thông; đường Hảo Nghĩa - Xuân Dương - Liêm Thủy huyện Na Rỳ… Năm 2000, thông đường ô tô đến xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông, đưa tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã lên 95,9% tổng số xã.

Giai đoạn 2001 - 2005, Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra 10 mục tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó chỉ rõ: “mục tiêu thứ ba, xây dựng và nâng cấp kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển đô thị. Mở mới, khôi phục và nâng cấp một số tuyến giao thông trọng yếu, phấn đấu đến năm 2005 đều có đường ôtô đến trung tâm các xã…”. Với tinh thần thi đua yêu nước, chỉ trong 2 năm (2001 - 2002), toàn tỉnh mở mới được 236,7km đường giao thông nông thôn, nâng cấp được 32,5km đường liên xã, xây dựng hai cầu mới Hát Đeng, Tin Đồn. Đến năm 2003, toàn tỉnh có thêm 03 xã có đường ô tô đến trung tâm. Đến năm 2005, tỉnh đã hoàn thành những tuyến đường trọng yếu, nhiều cây cầu bắc qua sông dài như: Cầu Dương Quang, cầu Bắc Kạn II, Thành phố Bắc Kạn; cầu Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới; cầu Suối To, xã Tú Trĩ (Bạch Thông); đường Quang Phong - Đổng Xá (Na Rì); đường Chợ Rã - Bộc Bố, đường Bộc Bố - Bằng Thành (Ba Bể); đường Vân Tùng - Thuần Mang (Ngân Sơn) đường Bình Trung - Đông Viên (Chợ Đồn) đạt tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi...

Cầu Bắc Kạn II được thông xe tháng 12/2005

Trong giai đoạn này, cùng với việc đầu tư xây dựng mới các công trình giao thông, việc duy trì và từng bước cải tạo, nâng cấp hệ thống đường, cầu hiện có, kịp thời duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa những công trình hư hỏng, đảm bảo cho giao thông liền mạch và an toàn cũng được hết sức chú trọng. Các cung đường qua những đoạn đèo dốc được cải tạo, lắp đặt thêm các thiết bị an toàn giao thông như biển báo, gương cầu và lan can chắn an toàn… đảm bảo trọng tải cầu đường và an toàn khai thác.

Từ năm 2006 - 2010, nguồn vốn xây dựng cơ bản hạ tầng giao thông được ưu tiên đặc biệt. Tỉnh đã tập trung sử dụng gần 5.000 tỷ đồng xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình trọng điểm, bảo đảm chất lượng, tiến độ và đưa vào sử dụng đúng kế hoạch như: Đường 258, Dự án Quốc lộ 3B (Thác Giềng - Na Rì), đường 257, 258, 254… Hầu hết các tuyến đường tỉnh lộ, Quốc lộ 3, Quốc lộ 279 đều được cải tạo, nâng cấp nhựa hoá và bê tông hoá, hàng vạn cọc tiêu, biển báo… được trồng mới đã tạo cho bộ mặt đường sá ở Bắc Kạn có sự thay đổi cơ bản theo mục tiêu thông thoáng, an toàn và từng bước sạch đẹp.

Tuyến đường Thanh niên được cải tạo, nâng cấp trở thành một trong những tuyến đường xanh, sạch, đẹp của thành phố Bắc Kạn

Giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh triển khai 41 dự án giao thông vận tải lớn với tổng mức đầu tư 2.758 tỷ đồng. Đây được coi là giai đoạn đột phá trong phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh với các dự án đầu tư những công trình giao thông liên tỉnh: Tuyến đường tiền cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) được khởi công cuối năm 2014 theo hình thức hợp đồng BOT; Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa (Bắc Kạn) - cửa khẩu Pò Mã (Lạng Sơn) giai đoạn I; Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 255 nối liền với tỉnh Tuyên Quang có mức đầu tư trên 401 tỷ đồng... Những tuyến đường huyết mạch kết nối liên tỉnh được đầu tư, nâng cấp sẽ góp phần đẩy mạnh giao thương, được coi là bàn đạp tạo sức bật cho kinh tế - xã hội của tỉnh.        

Đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn)

Điểm nổi bật trong lĩnh vực giao thông - vận tải giai đoạn này còn là sự phát triển rộng khắp của phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Với phương châm: Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm, Bắc Kạn đã tập trung “sức người, sức của” và trí tuệ của toàn dân khôi phục, nâng cấp, xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn lớn, nhất là các công trình giao thông ở các huyện miền núi, đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống nhân dân. Trong vòng 5 năm, từ các nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã nâng cấp cải tạo, mở mới 87,4km đường huyện đạt tiêu chuẩn GTNT loại A; 291,3km đường xã đạt tiêu chuẩn GTNT từ loại A đến loại B và 203,9km đường thôn, xóm (bản); xây mới 23 cầu trên đường huyện và 30 cầu trên đường xã. Đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, các cháu nhỏ được cắp sách tới trường, đời sống bà con các dân tộc trong tỉnh ngày một khấm khá... tất cả đều có sự đóng góp không nhỏ của các con đường nông thôn và những cây cầu dân sinh.

 Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựngTừ chương trình nông thôn mới (Ảnh: Đường GTNT thôn Khuổi Chanh, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông)

Trong lĩnh vực vận tải, hiện nay, toàn tỉnh đã có 01 bến xe khách tại thành phố Bắc Kạn; 03 bến xe tại các huyện: Na Rỳ, Chợ Đồn, Pác Nặm và bến xe tạm tại trung tâm huyện Ba Bể phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; toàn tỉnh hiện quản lý trên 151.000 xe mô tô và trên 7.000 xe ô tô các loại.

Sau 20 năm nhìn lại, mạng lưới giao thông - vận tải của tỉnh Bắc Kạn đã chuyển biến rõ nét. Nếu như năm 1997, hạ tầng giao thông trên địa bàn trong tình trạng hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng; 16 xã vẫn chưa có đường ô tô đến trung tâm, nhiều thôn bản cô lập với bên ngoài; điều kiện phát triển kinh tế, xã hội vô cùng khó khăn thì sau 20 năm, tỉnh đã có trên 500 dự án cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ, tỉnh lộ, mở mới các tuyến đường giao thông trong đô thị, giao thông nông thôn. Đến năm 2016, mạng lưới giao thông toàn tỉnh phát triển được trên 4.717km đường, gồm: 3 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 400 km; 12 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 434km; 65 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 520km; 1.463km đường liên xã và hệ thống đường mòn thôn, bản có chiều dài trên 1.730km phân bổ đều khắp tạo thành mạng lưới giao thông rộng khắp. Các tuyến quốc lộ có quốc lộ 3 chạy suốt từ Bắc xuống Nam, QL.279 và QL.3B chạy ngang theo hướng Đông - Tây; các đường tỉnh trọng yếu nối từ các quốc lộ đến các trung tâm huyện; hệ thống giao thông nông thôn đã vươn tới hầu hết các thôn, bản vùng cao...

Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Trước hết, mạng lưới giao thông phát triển là tiền đề cho việc hoàn chỉnh mạng lưới điện, nước sạch, thông tin liên lạc, góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh Bắc Kạn. Nếu như năm 1996, toàn tỉnh chỉ có 29 xã, thị trấn có thông tin điện thoại thì đến năm 2000 đã có thêm 57 xã, thị trấn có thông tin điện thoại và 43 điểm bưu điện văn hóa xã; có thêm 4 trung tâm các huyện Chợ Mới, Ba Bể, Bạch Thông, Ngân Sơn và 49 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia. Hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng đến các xã, cụm xã. Đến cuối năm 2004, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia, 72% số hộ được sử dụng điện, 100% số xã có đường ô tô đến tận trung tâm, 51% số hộ được sử dụng nước sạch. Cơ sở vật chất ngành y tế, giáo dục được đầu tư xây dựng.

Sự phát triển của mạng lưới giao thông - vận tải đã góp phần quan trọng trong thông thương hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nếu như trước đây khi hệ thống giao thông - vận tải chưa phát triển, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân các địa phương mang đậm chất tự cung tự cấp thì nay, cuộc sống người dân đã hoàn toàn thay đổi. Có đường giao thông, người dân đã có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, tìm kiếm được thị trường từ đó mở rộng phát triển sản xuất, nông sản của người dân đã bước đầu trở thành hàng hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng chuyên canh cam, quýt có diện tích khoảng 2.100ha, được trồng chủ yếu tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể với tổng sản lượng quýt trung bình gần 10.000 tấn/năm; cây hồng không hạt với diện tích hơn 800ha, được trồng nhiều ở các huyện Chợ Đồn, Ba Bể và Ngân Sơn; cây thuốc lá trên 1000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ngân Sơn, Chợ Mới, Chợ Đồn; cây dong riềng trên 1.000ha, tập trung ở 2 huyện Na Rỳ và Ba Bể, còn lại là rải rác ở các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn; cây chè có diện tích khoảng 2.800ha, đang được coi là cây trồng mũi nhọn, thế mạnh của các huyện Ba Bể, Chợ Đồn và Chợ Mới… Đặc biệt, đối với cây lương thực, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, có đường giao thông thuận lợi cho công tác chăm sóc, diện tích, sản lượng ngô, lúa của tỉnh tăng nhanh. Nếu như năm 2001, sản lượng lương thực của tỉnh đạt 99.567 tấn thì đến năm 2004 đã đạt trên 120.000 tấn và đến năm 2016, sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt trên 184.362 tấn, bình quân lương thực đầu người của tỉnh đến nay ước đạt trên 580kg, tăng 2 lần so với năm 1997.

Giao thông - vận tải phát triển đã tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế và nhân dân các vùng trong tỉnh có điều kiện giao thương với nhau và với các tỉnh lân cận. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển với những sắc thái mới. Nhìn lại 20 năm tái thành lập, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu to lớn: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm qua đạt 11,5%/năm. Tổng sản phẩm GRDP của tỉnh năm 2016 ước tăng gấp 23,5 lần so với năm 1997. GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 26,5 triệu đồng/người, tăng gấp 21,2 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp đã giảm từ 62,3% năm 1997 xuống ước còn 34,1% năm 2016; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 8,6% năm 1997 lên ước đạt 13,7% năm 2016; khu vực dịch vụ tăng mạnh từ 29,1% năm 1997 lên ước đạt 49,9% năm 2016. Tỷ lệ che phủ rừng đạt cao nhất cả nước với 70,8%. Đến nay,100% xã đã có đường giao thông đến trung tâm; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia của tỉnh đã đạt trên 96%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt 96%; 100% các xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại di động... Công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, cả tỉnh còn 11,6% hộ nghèo. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường và giữ vững…

Tin tưởng rằng, với mạng lưới giao thông - vận tải ngày càng hoàn thiện sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tiếp theo, góp phần kết nối, giảm khoảng cách giữa các vùng miền thành thị - nông thôn trên địa bàn tỉnh./.

Hương Dịu