PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/12/2016
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát huy trí tuệ, tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển của địa phương
Hội thảo khoa học “Bắc Kạn 20 năm - chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển” do Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức sáng ngày 29/12/2016 diễn ra trong không khí Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đang tưng bừng phấn khởi chào đón sự kiện trọng đại của quê hương - kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn (01/01/1997 - 01/01/2017).

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hội thảo khoa học “Bắc Kạn 20 năm - chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển” do Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức sáng ngày 29/12/2016 diễn ra trong không khí Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đang tưng bừng phấn khởi chào đón sự kiện trọng đại của quê hương - kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn (01/01/1997 - 01/01/2017). Hội thảo là dịp để các đại biểu là cán bộ tiền nhiệm của tỉnh qua các thời kỳ, cán bộ lão thành cách mạng của tỉnh thể hiện trí tuệ, tâm huyết với sự phát triển của địa phương. Dưới đây, Cổng Thông tin điện tử trân trọng chuyển tải tới bạn đọc một số ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Đồng chí Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Sau 20 năm tái lập, Bắc Kạn đã có nhiều tiến bộ về kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện, nhất là khu vực thành phố Bắc Kạn và dân cư ở các khu vực thị trấn huyện. Tuy nhiên, tư duy phấn đấu làm giàu không mạnh mẽ, tư tưởng ỷ lại trông chờ còn khá phổ biến, các quy luật kinh tế thị trường, hội nhập với khu vực, thế giới chưa ăn sâu, bám rễ vào đại bộ phận người dân và một số bộ phận cán bộ công chức, viên chức từ tỉnh đến huyện.

 Đồng chí Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

Nói đến mục tiêu, biện pháp để đưa Bắc Kạn sớm thoát khỏi tỉnh nghèo không hề đơn giản và không dễ, toàn bộ những mục tiêu, giải pháp đã được Đại hội XI của tỉnh quyết định. Với tư cách là chuyên gia, ít nhiều có hiểu biết về Bắc Kạn, tôi xin được nêu một số ý tưởng sau: Với kinh nghiệm của 20 năm qua, tiềm lực kinh tế - xã hội của tỉnh đã được nâng lên một bậc với các chương trình phát triển của Trung ương dành cho các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Bắc Kạn cần vận dụng tạo ra môi trường và có chủ trương đột phá trên một số lĩnh vực phối hợp với quy mô phát triển như mô hình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, môi trường phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghiệp cao, sản phẩm chế biến có thể cạnh tranh được trên thị trường như sản phẩm của công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp sản xuất từ các hộ nông dân có quy mô vừa và lớn hoặc chính sách khuyến khích nông dân liên kết thành các hợp tác xã sản xuất chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là những đặc sản của tỉnh đã có nhưng chưa được tổ chức chế biến sâu với công nghệ chế biến bảo quản để tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu (hoa quả Bắc Kạn, trà đặc sản, rau an toàn, một số sản phẩm thịt gia súc, gia cầm).

Xây dựng chương trình đột phá phát triển phải coi trọng mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc đồng hành với mục tiêu tăng thu ngân sách. Nếu không tạo ra nguồn thu ngân sách cho tỉnh thì Bắc Kạn khó có thể thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước, làm gì cũng phải xin ngân sách Trung ương là khó lắm, các cụ ngày xưa đã nói: “Cái khó bó cái khôn”.

Để có đột phá phát triển phải đoàn kết một lòng phát huy lợi thế của địa phương, tận dụng có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Chính phủ tập trung xử lý dứt điểm để đạt được các mục tiêu trong kế hoạch hàng năm, trong kế hoạch trung và dài hạn của tỉnh như giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giả, khuyến khích các hộ làm giàu, tạo ra môi trường khuyến khích các hộ khá giả, hộ giàu thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh ở những nơi có điều kiện ở các thị trấn, huyện, thị xã tạo dựng hệ thống doanh nghiệp của tỉnh. Đây là những hộ, những doanh nghiệp kết nối giữa nông dân sản xuất với thị trường thông qua hệ thống luật pháp tăng thu ngân sách cho huyện, cho tỉnh.

Cùng với hạ tầng phát triển kinh tế cần tập trung nâng cao hiệu quả đem lại lợi ích cho nhân dân các dân tộc trong chữa bệnh, chăm sóc y tế, đào tạo, giáo dục ở các cấp, đưa điện lưới về các thôn bản để nhân dân làm kinh tế. Đây là lĩnh vực mà 20 năm qua Bắc Kạn đã làm tốt nhưng đồng bào các dân tộc chưa tận dụng để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả chất lượng do nguồn điện đem lại.

Như ban đầu tôi đã đề cập, để Bắc Kạn phát triển bền vững, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trước hết phải tạo ra đột phát về môi trường để phát triển, tỉnh phải tạo ra các giải pháp vận dụng thật tốt, cơ chế chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, phải mềm hóa cách vận dụng và đề ra các cơ chế phù hợp, thu hút và hướng nhân dân, các doanh nghiệp của tỉnh và thu hút các doanh nghiệp lớn ở nơi khác về Bắc Kạn lập nghiệp. Đây là con đường cơ bản để Bắc Kạn phát triển trong những năm tới. Ngoài những đột phá phát triển nguồn nhân lực, đột phá phát triển một số lĩnh vực Bắc Kạn phải phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất đai phải đảm bảo mục tiêu phát triển rừng, bảo vệ rừng trọng điểm, quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản đảm bảo môi trường xã hội, môi trường phát triển của tỉnh, chống ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.

Tôi xin chúc Đảng bộ nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống anh hùng, đoàn kết một lòng phấn đấu xây dựng quê hương phát triển hơn nữa, nâng cao quy mô kinh tế của tỉnh lên một bước mới giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Đồng chí Mai Thế Dương, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn: Có thể nói với nhiều cố gắng nỗ lực sau 20 năm, Bắc Kạn đã dành được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Tuy nhiên cũng cần rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về những tồn tại hạn chế cần khắc phục, trong đó đặc biệt là vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, trước hết là nâng cao chất lượng cán bộ trong hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một cách có hiệu quả đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay. Vì vậy Bắc Kạn cần thực hiện tốt chiến lược về công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm. Trong công tác xây dựng Đảng phải quan tâm đến đoàn kết thống nhất và tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính, xây dựng người cán bộ thực sự là công bộc của dân, vì dân...

 Đồng chí Mai Thế Dương, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn

Hy vọng bước sang giai đoạn tiếp theo Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đổi mới, có những bước đi vững chắc và sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.

Đồng chí Hoàng Ngọc Đường, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn: Về định hướng phát triển cho tỉnh trong thời gian tới, tôi cho rằng: Bắc Kạn lấy sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp gắn với việc xây dựng nông thôn mới là hướng đi lên của tỉnh.

Mặc dù đạt được những thành tích nêu trên, nhưng nhìn chung Bắc Kạn so với các tỉnh trong khu vực và cả nước vẫn còn khó khăn. Phát triển kinh tế của tỉnh vẫn chưa tạo ra được những bước đột phá mạnh mẽ. So với quy mô tăng trưởng về GDP thì thu nhập bình quân, đóng góp về thu ngân sách và các đóng góp khác của tỉnh vẫn còn thấp.

 Đồng chí Hoàng Ngọc Đường, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn

Các chỉ số về phát triển xã hội chưa cao, chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Nông nghiệp đã có bước tiến dài, nhưng đời sống của bà con nông dân, nhất là ở vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn.

Do vậy, trong thời gian tới tỉnh cần rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, vùng trọng điểm, mặt hàng chủ lực, thứ tự ưu tiên và giải pháp đột phá để triển khai thực hiện. Lấy phát triển nông, lâm nghiệp là lĩnh vực chính trong phát triển kinh tế của Bắc Kạn cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, dựa trên nền an ninh lương thực, tỉnh cần tập trung phát triển nông nghiệp gắn với trồng rừng sản xuất. Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các giải pháp nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa với các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, nuôi bán công nghiệp tại các hộ gia đình. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp cùng tham gia trồng rừng, sản xuất, chế biến lâm sản.

Phát triển các sản phẩm lợi thế của Bắc Kạn theo hướng mỗi thôn, hoặc mỗi xã có một sản phẩm như cam, quýt ở Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể; hồng không hạt ở Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn; cây chè tuyết ngoài phát triển ở Bằng Phúc (Chợ Đồn) và Đồng Phúc (Ba Bể) có thể mở rộng diện tích ở các xã phía Đông của huyện Chợ Mới như Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư; khẩu nua Lếch (lúa nếp thơm) ở Ngân Sơn, khẩu nua Pái ở Chợ Đồn, gạo bao thai Chợ Đồn cần được quy hoạch, phát triển ở những vùng có điều kiện thích hợp với sản lượng và đáp ứng với thị trường. Ngoài ra cần chú ý đến những cây tiềm năng như khoai môn Bắc Kạn, cây mơ, dong riềng, gừng… những sản phẩm này đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài tỉnh, song chưa được quan tâm đúng mức, phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng công nghệ sạch, công nghệ hữu cơ là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững ngành nông nghiệp Bắc Kạn, là hoàn thành một chỉ tiêu cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với nâng cao thu nhập cho người dân tùy vào điều kiện từng địa phương mà ưu tiên lựa chọn xây dựng những tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp, nhất là những tiêu chí không nhất thiết phải đầu tư kinh phí thật lớn.

Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch. Trong phát triển du lịch phải chú trọng gắn kết, phát huy cao độ các cơ sở, điều kiện có sẵn, có sức thu hút cao, như khu du lịch Ba Bể, khu di tích ATK và di sản văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc trong mỗi thôn, bản, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Lấy Ba Bể làm trọng tâm du lịch trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt.

Tôi rất kỳ vọng và tin tưởng vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhất là các đồng chí trong Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy. Với kiến thức, trí tuệ và trách nhiệm cao, các đồng chí sẽ lãnh đạo Đảng bộ và vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhằm đưa nền kinh tế - xã hội tỉnh tiến lên một bước mới, rút ngắn khoảng cách về kinh tế- xã hội giữa tỉnh Bắc Kạn với các tỉnh trong khu vực.

Đồng chí Hoàng Thị Tảo - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Là một trong những cán bộ được điều động đến công tác tại Bắc Kạn trong những ngày đầu mới tái lập, tôi cảm nhận rõ khó khăn của tỉnh trong chặng đường xây dựng và trưởng thành và càng tự hào khi chứng kiến sự đổi thay đáng mừng của Bắc Kạn ngày nay. Tin tưởng rằng trong giai đoạn tới, Bắc Kạn sẽ không ngừng phát huy nội lực, khai thác tốt các tiềm năng sẵn có như tài nguyên khoáng sản, du lịch, phát huy thế mạnh nông lâm nghiệp… để vươn lên trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực.

 Đồng chí Hoàng Thị Tảo - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Nhà văn Nông Viết Toại - cán bộ lão thành cách mạng

Tỉnh nhà được tái lập lại từ tháng 01 năm 1997. Nói đến thời gian, không cứ dài hay ngắn đối với tuổi già cảm xúc có những gì như nuối tiếc. Về cuộc sống xã hội từ ngày tái lập tỉnh đến nay thì bộ mặt huy hoàng tráng lệ là rõ ràng. Nói như bà con dân tộc mình là phát triển vượt bậc, khác “một trời một vực”, dù vẫn còn là tỉnh nghèo. Đường ô tô đi Ba Bể hay Đèo Giàng, Đèo Gió cắt gần hết những khúc cua tay áo, đi thẳng rộng hơn. Không chỉ riêng thành phố mà thị trấn, thị tứ các huyện đã mọc lên không ít nhà tầng. Về kinh tế, sản xuất nông nghiệp có nhiều sáng tạo, có những cây, con đã mang thương hiệu với thị trường chung. Về du lịch đã có bước chuyển mình, ngày càng nhiều du khách biết tới hồ Ba Bể.

 Nhà văn Nông Viết Toại - cán bộ lão thành cách mạng

Trăn trở trong giai đoạn tới của tôi là làm sao Bắc Kạn vươn lên phát triển hơn nữa, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, căn cứ địa trong kháng chiến. Muốn vậy, Bắc Kạn cần coi trọng công tác cán bộ, tuyển dụng những người vừa có tâm, vừa có tầm vào bộ máy Nhà nước. Tỉnh cũng cần quan tâm phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn./.

Nguyễn Nga