PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/08/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn: Tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ và vừa
Bắc Kạn có lượng mưa trung bình hằng năm cao; hệ thống sông suối khá dày đặc, lưu lượng nước tương đối lớn và có quanh năm, phần lớn nằm ở thượng nguồn nên nhiều thác ghềnh… Đây là tiềm năng để tỉnh thu hút đầu tư phát triển thủy điện nhỏ và vừa.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trên địa bàn tỉnh có 03 con sông lớn là: Sông Cầu bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn chảy qua thành phố Bắc Kạn đến huyện Chợ Mới sang tỉnh Thái Nguyên; sông Năng chảy từ huyện Pác Nặm đến thác Đầu Đẳng sang tỉnh Tuyên Quang; sông Bắc Giang chảy từ huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng qua huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn sang tỉnh Lạng Sơn có lượng nước tương đối lớn… Ngoài ra còn có nhiều con suối nhỏ, tuy lượng nước không lớn nhưng có quanh năm, phần lớn nằm ở thượng nguồn nên nhiều thác ghềnh. Những đặc điểm trên rất thích hợp để Bắc Kạn phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa.

Ảnh: Thân đập Nhà máy Thủy điện Nặm Cắt, tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông

Năm 2010, tại Quyết định số 2461/QĐ-UBND, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Bắc Kạn gồm có 24 dự án với tổng công suất lắp máy 41,2MW. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phát triển thuỷ điện bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn công trình, hài hoà các lợi ích và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt, Bắc Kạn đã loại khỏi quy hoạch 17 dự án có quy mô công suất nhỏ hơn 3MW không đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn theo quy định. Như vậy, hiện tại, tỉnh chỉ có 08 dự án thủy điện được quy hoạch, với tổng công suất lắp máy 37,2MW gồm các thủy điện: Tà Làng, Nặm Cắt, Thượng Ân, Thác Giềng 1, Thác Giềng 2, Pác Cáp, Sông Năng, Khuổi Nộc. Trong đó có 03 dự án thủy điện trong Quy hoạch được đầu tư xây dựng hoàn thành; 02 dự án đang đầu tư xây dựng và 02 dự án đang chuẩn bị đầu tư; 01 dự án UBND tỉnh đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Các dự án đưa vào vận hành đã phát điện, hoà vào mạng lưới điện quốc gia với tổng công suất hơn 10 MW, sản lượng điện thương phẩm bình quân hằng năm đạt gần 40.000 kWh, mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Ngoài các dự án thủy điện được quy hoạch, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vị trí có tiềm năng xây dựng các dự án thủy điện và hiện đang có một số nhà đầu tư xin nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch đối với các vị trí này. Nhằm khai thác lợi thế tiềm năng phát triển thủy điện, thực hiện chủ trương đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Thời gian qua, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Công Thương chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức khảo sát, lập đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh. Sau khi tiến hành khảo sát, xem xét đề xuất của đơn vị liên quan, UBND tỉnh đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung 17 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 79,5MW vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Bắc Kạn.

UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ nội dung, trình tự đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các quy định của Luật Xây dựng, nghị định của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình và các văn bản khác liên quan đến chất lượng công trình. Chỉ đạo các huyện có công trình thủy điện phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan giám sát việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án thuỷ điện, công tác quản lý vận hành các đập thuỷ lợi, thuỷ điện và quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, quản lý chất lượng xây dựng công trình đối với các chủ đập thủy điện, thủy lợi (đang vận hành và đang xây dựng) trên địa bàn tỉnh; xử lý đối với chủ đập không chấp hành đúng, đầy đủ quy định của pháp luật; kiên quyết không cho tích nước, đưa vào vận hành các công trình thủy điện do UBND tỉnh phê duyệt đầu tư hoặc cấp giấy phép xây dựng nếu không đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du đập. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi ngay từ khi khảo sát, thiết kế đến khi nghiệm thu đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng cũng đã tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục đánh giá tác động môi trường; các tổ chức tín dụng có cơ chế, chính sách thông thoáng như cho vay dài hạn, giảm lãi suất… Qua đó, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện trên địa bàn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Thu Cúc