PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020
Sáng 08/01/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng và Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Triệu Thị Thu Phương đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020. Dự Hội nghị có Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc Bùi Văn Lịch.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020

5 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện và ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; ban hành một số chính sách, giải pháp thực hiện các đề án, quyết định cụ thể nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh ở vùng dân tộc miền núi trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc như: Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2017-2020; chính sách đối với người có uy tín; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các DTTS giai đoạn 2015-2025...

Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai sâu rộng, đúng đối tượng và tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Các hợp phần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đã từng bước góp phần thay đổi diện mạo mới cho các xã nông thôn miền núi; các công trình giao thông, thủy lợi, trường học đầu tư xây dựng đã phát huy tốt hiệu quả, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thông qua các dự án, mô hình phát triển sản xuất, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất và tiếp cận dần với sản xuất hàng hóa...

Cả giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới được 758 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó chủ yếu là giao thông phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; các công trình thủy lợi nhỏ; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; công trình y tế, trường, lớp học; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Thực hiện duy tu bảo dưỡng 642 công trình giao thông, thủy lợi, điện, công trình văn hóa.

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được trên 11 tỷ đồng, với 3.100 hộ dân được hưởng lợi, trong đó có 700 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 350 hộ được hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ và trên 2.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai từ năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 400 hộ được vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí 21 tỷ đồng để chăn nuôi, trồng trọt và cải tạo đất sản xuất. Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 5 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 43.600 hộ nghèo ở vùng khó khăn được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với kinh phí gần 18 tỷ đồng để mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y... Từ nguồn vốn được hỗ trợ, nhiều hộ dân đã ổn định nhà cửa, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, cùng với nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm dần qua các năm. Nếu năm 2015, toàn tỉnh còn 29,4% hộ nghèo thì năm 2019 đã giảm xuống còn 19,57%, hết năm 2020, cả tỉnh còn 17,6% hộ nghèo, bình quân giảm 2,5%/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc bố trí vốn, công tác tuyên truyền về những chương trình, chính sách dân tộc ở một số địa phương chưa kịp thời. Một số chương trình triển khai còn chậm so với kế hoạch hằng năm; chưa nhân rộng các mô hình có hiệu quả; các chương trình, chính sách dân tộc được giao cho nhiều đầu mối triển khai thực hiện. Việc phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu, còn lúng túng trong khâu lập dự án, tiến độ thực hiện chậm, giám sát thi công công trình chưa được chặt chẽ. Việc hỗ trợ sản xuất, sinh kế cho đồng bào còn chưa kịp thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tình trạng thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất vẫn còn xảy ra...

Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc Bùi Văn Lịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đều cho rằng, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn tới. Các sở, ngành liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho xã đặc biệt khó khăn, phấn đấu giảm bớt khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Các địa phương cần quan tâm hơn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; phát huy vai trò của bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng, người có uy tín trong đồng bào DTTS…

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 09 tập thể và 09 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020./.

Thu Trang