PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
UBND tỉnh tổ chức quán triệt, hướng dẫn sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh
Chiều 17/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố để quán triệt triển khai, hướng dẫn sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Văn Lưu và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện 2 đợt sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Sau sáp nhập, toàn tỉnh giảm được 129 thôn, tổ dân phố. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 1.292 thôn, tổ, tiểu khu. Đối chiếu với các quy định hiện hành, số thôn, tổ, tiểu khu đạt từ 50% tiêu chuẩn trở lên là 345; 947 thôn, tổ dân phố đạt dưới 50% tiêu chuẩn (thôn có dưới 75 hộ, tổ/tiểu khu có dưới 100 hộ) thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2012/TT-BNV. Đây là nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm 2024.

Căn cứ các Thông tư của Bộ Nội hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố và báo cáo của các huyện, thành phố, Sở Nội vụ đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho chủ trương thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố trong năm 2024. Ngày 12/9/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp và đồng ý về chủ trương chia tách, ghép cụm dân cư, sáp nhập, thành lập mới, đổi tên thôn, tổ dân phố trong năm 2024.

Để triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024, nội dung thực hiện bao gồm rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố; xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; kiện toàn các tổ chức và thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập...

Tại Hội nghị, Sở Nội vụ đã hướng dẫn quy trình và hồ sơ sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố; kiện toàn các tổ chức và bố trí người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên.

Các ý kiến tại Hội nghị đánh giá, việc sáp nhập thôn, tổ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở; giảm được nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ, khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt giữa các thôn, tổ; giảm đầu mối công việc; giảm số lượng lớn người hoạt động không chuyên trách và kinh phí chi cho các chức danh, dành nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng…

Tuy nhiên, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như khoảng cách các thôn xa, việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân còn nhiều bất cập, chính sách cho cán bộ sau sáp nhập còn vướng mắc, một số người dân chưa tán thành sáp nhập... Đây là những vấn đề đại biểu các địa phương đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng trong quá trình sáp nhập. Các sở, ngành đã cùng trao đổi các nội dung, trong đó thảo luận các nhiệm vụ cần làm để thực hiện tốt các vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng tài sản, tính toán các phương án về kinh phí sắp xếp hạ tầng, kinh phí hỗ trợ cán bộ không chuyên trách dôi dư nghỉ việc đưa vào đề án để có nguồn lực thực hiện...

Để việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh năm 2024 được triển khai thực hiện thống nhất, nghiêm túc, hiệu quả, đúng tiến độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố. Đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức triển khai thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Kế hoạch của UBND tỉnh và Hướng dẫn của Sở Nội vụ.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu tại Hội nghị

Các huyện, thành phố đã có phương án sáp nhập thôn, tổ, tiếp tục chỉ đạo UBND cấp xã rà soát các thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn; các huyện chưa có phương án, chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương rà soát, lập phương án và xây dựng Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thực hiện theo Kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện quy trình sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Kế hoạch của UBND tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng; tham mưu thực hiện các trình tự, thủ tục xây dựng Đề án; hoàn thiện Đề án, Tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết trong năm 2024.../.

Hương Lan