PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/12/2016
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn với phong trào thi đua yêu nước
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”,trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã ra sức thi đua, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”,trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã ra sức thi đua, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Thi đua trong thời kỳ cách mạng kháng chiến

 Bắc Kạn là một trong những địa phương sớm tham gia phong trào thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và phát động. Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ ngày 11/6/1948, ngay trong năm đầu thực hiện lời kêu gọi của Người, tỉnh đã cử 274 cán bộ xuống cơ sở giúp nhân dân tìm hiểu về yêu cầu và nội dung thi đua. Kết quả là 91,3% số hộ dân toàn tỉnh đã xây dựng được chương trình, kế hoạch gia đình và có giao ước thi đua. Chính nhờ phong trào thi đua sôi nổi từ thành thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao, nên tuy dân số ít nhưng tỉnh ta vẫn đóng góp xứng đáng cho cuộc kháng chiến, nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Trong thư khen tỉnh ta làm giao thông giỏi, Người viết: “Trong thời kỳ toàn quốc chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công, Bắc Kạn có cái vinh dự là có xe hơi chạy đầu tiên ở Việt Bắc... có kết quả bước đầu ấy là do cán bộ chính quyền và đoàn thể hợp tác chặt chẽ, công tác thiết thực và nhờ vào đồng bào Bắc Kạn hăng hái thi đua sửa đường...”. Bắc Kạn trở thành tỉnh đầu tiên được giải phóng (8-1949) và là địa phương dẫn đầu trong phong trào thi đua kháng chiến kiến quốc. Năm 1950, Bắc Kạn được Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba, được vinh dự giữ Cờ luân lưu “đơn vị có phong trào thi đua khá nhất” do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng.

Thực hiện Nghị quyết số 103-NQ-TVQH ngày 21/4/1965 về việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Thái đã thực hiện tốt việc vận dụng các Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII, XIV của Đảng và Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương. Trong giai đoạn này, nhân dân và cán bộ tỉnh Bắc Thái được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng Bằng khen trong sản xuất nông nghiệp; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong việc thực hiện nhiệm vụ huy động lương thực. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Thái được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến Hạng nhất.

Với vai trò là căn cứ địa cách mạng, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã dồn sức chi viện cho tiền tuyến, hàng nghìn thanh niên con em các dân tộc đã lên đường nhập ngũ, đã có 06 huyện, thị xã, 30 xã, phường, thị trấn và 03 cá nhân lập công xuất sắc vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 88 người mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hàng vạn huân, huy chương được trao tặng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trải qua các cuộc kháng chiến có hơn 2.000 liệt sĩ và hàng trăm thương, bệnh binh con em của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã cống hiến, hy sinh nêu cao truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 02/10/2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn.

Thi đua trong thời kỳ xây dựng và đổi mới

Ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức được tái lập. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của các phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh đều phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của của đơn vị và của tỉnh.

Tất cả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tỉnh được gắn với các cuộc vận động do Trung ương phát động, đặc biệt là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước và tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, cụ thể như các phong trào: “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Dạy tốt - Học tốt”; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay cùng xã nghèo vượt khó”; các phong trào thi đua trong các đơn vị lực lượng vũ trang như phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Thi đua Quyết thắng” với cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”... Các phong trào đã được mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức và các lực lượng vũ trang hưởng ứng, tạo chuyển biến sâu sắc về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; khơi dậy phong trào thi đua làm việc tốt, thi đua lao động sản xuất, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội.

Để biểu dương và tôn vinh những điển hình tiên tiến xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp các lĩnh vực, các địa phương, đơn vị, từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công 4 kỳ Đại hội, qua đó đã biểu dương hàng nghìn tấm gương điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân trong mọi lĩnh vực. Tiêu biểu là các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh như: Sở Y tế, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Nhân dân và cán bộ huyện Bạch Thông; thành phố Bắc Kạn; Tỉnh Đoàn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Chi nhánh Công nghiệp Hóa chất mỏ Bắc Kạn; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Bắc Kạn;…. Ngoài ra, có thể kể đến gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của ông Triệu Văn Phú, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể vinh dự đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc; gia đình ông Nguyễn Văn Đình, tổ 2, phường Sông Cầu, có cơ sở sản xuất rọ thép, hàng năm tạo công ăn việc làm cho 30 công nhân, thu nhập bình quân hàng năm đạt 4 tỷ đồng; mô hình thu gom chuối xanh của gia đình ông Triệu Đình Khích, thôn Nà Vịt, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn thu nhập bình quân hàng năm trên 400 triệu đồng hay gia đình ông Cao Xuân Lãng, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông là mô hình điển hình tiên tiến tại địa phương được các cán bộ, hội viên hội nông dân trong và ngoài tỉnh đến thăm quan để học tập kinh nghiệm... Trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến như Trường THPT Chuyên Bắc Kạn, THCS Bắc Kạn, Trường Mầm non Đức Xuân... là những tập thể có nhiều năm liền đạt thành tích cao; nhiều thầy, cô giáo và học sinh là những tấm gương được khen thưởng trong giảng dạy và học tập, và đạt giải cao trong các kỳ thi các cấp...

 Đoàn Đại biểu huyện Ba Bể dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bắc Kạn lần thứ nhất năm 2000

Qua các phong trào thi đua đã huy động được nhiều nguồn lực, phát huy sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập cho người lao động... Các phong trào thi đua đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra khí thế mới, khích lệ người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Các phong trào trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại được được đẩy mạnh phát triển đã góp phần phát huy tinh thần lao động sáng tạo của người lao động trong sản xuât, kinh doanh. Trong lĩnh vực giao thông - xây dựng, tại các địa phương nổi lên phong trào thi đua làm đường giao thông nông thông, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với phong trào thi đua “Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới” đã và đang phát huy được sức mạnh tập thể, thể hiện được ý chí đồng thuận của nhân dân và mang lại những hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu là gương anh Bàn Văn Trị, thôn Phiêng Tạc và anh Hoàng Văn Mù ở thôn Vy Lạp xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm; hai chú cháu Lưu Đình Chài, Lưu Đình Cừ thôn Nà Váng, xã Đôn Phong huyện Bạch Thông đã vận động bà con hàng xóm hiến đất, tự nguyện đóng góp tiền, công sức cùng nhau mở đường liên thôn…

Từ khi tái lập tỉnh đến nay công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh đảm bảo chặt chẽ, chính xác, công khai, đã kịp thời khen thưởng động viên những tập thể cá nhân có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước, kết quả khen thưởng từ năm 1997 đến nay: Chủ tịch nước tặng 161 Huân chương các hạng cho các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, có quá trình cống hiến qua các giai đoạn cách mạng (trong đó Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất và Huân chương Độc lập hạng nhất cho Nhân dân và cán bộ tỉnh Bắc Kạn vào năm 2006 và năm 2016).

 Các đơn vị dẫn đầu khối thi đua năm 2013 nhận cờ thi đua của UBND tỉnh

Thủ tướng Chính phủ tặng 72 cờ Chính phủ cho các tập thể dẫn đầu các khối trong phong trào thi đua của tỉnh; tặng Bằng khen cho 83 tập thể, 166 cá nhân; 11 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 1.373 tập thể; 1.887 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác (khen thường xuyên); 3.752 tập thể, 5.361 cá nhân có thành tích được khen thưởng chuyên đề, giai đoạn; 141 tập thể, 143 cá nhân được khen thưởng đột xuất; 2.695 tập thể đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; 391 đơn vị Công an các xã đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng; 1.521 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 2158 đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong các khối thi đua được tặng Cờ của UBND tỉnh.

Có thể thấy phong trào thi đua yêu nước đã tạo thành động lực to lớn, có sức lan tỏa, động viên các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh thi đua học tập, lao động sản xuất, công tác, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.Phát huy tinh thần yêu nước truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của quê hương cách mạng, tin tưởng rằng phong trào thi đua yêu nước của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thiết thực, ăn sâu, lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra; phấn đấu xây dựng Bắc Kạn thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp tốc độ tăng trưởng chung của cả nước, thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh đồng bằng, trở thành tỉnh phát triển trong khối các tỉnh miền núi phía Bắc./.

Hoàng Huế (Sở Nội vụ)