PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác để hỗ trợ người dân bị thiệt hai do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chăn nuôi lợn được gia đình ông Dương Văn Vui ở thôn Nà Làng, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể duy trì đã lâu năm nhưng năm 2024 là năm đầu tiên đàn lợn của gia đình ông bị bệnh DTLCP. Ông buồn rầu chia sẻ, năm nào gia đình ông cũng chăn nuôi lợn 2 lứa/năm; mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông cả vào đàn lợn, ngô, lúa chỉ trồng đủ phục vụ gia đình không có dư để bán. Năm nay, vụ xuân gặp hạn hán, lúa, ngô không gieo trồng được, cả gia đình tập trung chăm sóc đàn lợn 13 con gồm 1 nái với 10 con lợn giống và 5 con lợn thịt tầm 80kg/con chuẩn bị cho xuất chuồng. Ấy vậy mà, bệnh DTLCP đến làng, đàn lợn của gia đình ông không tránh khỏi dịch bệnh, phải tiêu hủy hết cả đàn.

“Bi đát” hơn cả là hộ gia đình ông Hoàng Văn Liêm ở thôn Nà Vài, xã Khang Ninh (huyện Ba Bể) thuộc diện hộ nghèo vừa mất đàn lợn 17 con do bệnh DTLCP. Hai vợ chồng ông đã qua tuổi lao động, không đi làm thuê được nên động viên nhau tập trung phát triển chăn nuôi lợn để nuôi con học hành. Nhắc đến đàn lợn bị bệnh phải tiêu hủy, ông Liêm xót xa: Cả gia đình chỉ trông chờ vào đàn lợn mà không may bị bệnh DTLCP phải tiêu hủy10 con lợn đực giống, 2 lợn nái và 5 con lợn thịt đang độ lớn chừng 40 - 50 kg, tổng trọng lượng 800 kg; đây là mất mát, thất thoát quá lớn đối với nông dân và nhất là hộ nghèo như gia đình ông. Mọi chi phí tập trung đầu tư vào đàn lợn đã bị mất, giờ đây gia đình kiệt quệ về kinh tế và tâm trí rối bời nên trước mắt ông chưa nghĩ được phương án để vực lại kinh tế gia đình ổn định và thoát nghèo.

Toàn xã Khang Ninh, huyện Ba Bể có đến 75% số hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trước khi bệnh DTLCP xuất hiện có trên 1.500 con. Tính đến thời điểm ngày 6/6, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 179 hộ, 11 thôn với hơn 900 con lợn mắc bệnh, đã tiêu hủy với trọng lượng trên 36,6 tấn, trong đó có hơn 230 con lợn đực, nái. 

Tiêu hủy lợn chết do bệnh DTLCP tại thành phố Bắc Kạn

Không chỉ có xã Khang Ninh (huyện Ba Bể), các xã có bệnh DTLCP ghé thăm đều gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ ngày 1/1 - 6/6/2024, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1.600 hộ, 421 thôn, 89 xã thuộc 8 huyện, thành phố làm 6.682 con lợn chết, tiêu hủy với với trọng lượng gần 270 tấn. Tính đến ngày 6/6/2024, trên địa bàn tỉnh có 2 xã đã công bố hết dịch, 1 xã đã qua 21 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới; 86/89 xã chưa qua 21 ngày; có 4 xã mắc lại lần 2. Thiệt hại do bệnh DTLCP gây nên đến thời điểm này ước tính đã trên 15 tỷ đồng.

Trước tình hình dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề, người dân các địa phương đều mong muốn sớm được hỗ trợ để có nguồn vốn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế, ổn định sản xuất và cuộc sống sinh hoạt.

Qua kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP những ngày cuối tháng 5/2024 và tại Hội nghị bàn các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP ngày 6/6 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vi Thị Thúy đã chỉ đạo các địa phương cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng loạt các biện pháp nhằm sớm khống chế dịch bệnh, cần rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác để thực hiện chính sách hỗ trợ người dân theo quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo đúng quy trình về hồ sơ hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP đảm bảo đúng đối tượng, công khai, tránh tình trạng chuộc lợi chính sách./.

Hương Dịu