PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương
Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2024, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam có chủ đề “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Bạch Thông tổ chức Lễ phát động “Tháng hành
động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm 2024

Tại huyện Bạch Thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn vừa tổ chức tọa đàm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” nhằm triển khai hiệu quả công tác gia đình; chia sẻ “bí quyết” xây dựng gia đình hạnh phúc, gìn giữ những chuẩn mực đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam; quan hệ ứng xử giữa cha, mẹ và con; quan hệ ứng xử giữa ông, bà và cháu…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Thị Dung, thông qua hoạt động lần này, hy vọng các cấp ngành, các tổ chức xã hội, các địa phương, các tầng lớp Nhân dân đã và đang đóng góp cho thành công của sự nghiệp gia đình trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tiếp tục phát huy hơn nữa lòng nhiệt huyết của mình để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”. Mọi người, mọi nhà cùng thể hiện tình yêu thương, sống chan hòa, chia sẻ những điều tốt đẹp của cuộc sống đến cộng đồng.

Qua thống kê, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 81.000 gia đình, trong đó gia đình có 2 thế hệ chung sống là hơn 30.000, gia đình có 3 thế hệ chung sống là hơn 1.400. Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như vi phạm quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình Việt Nam, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của cộng đồng và trật tự xã hội… Chính vì vậy, việc đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình nói chung, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em là vấn đề có tính chất chiến lược, là mục tiêu quan trọng được cả thế giới đặc biệt quan tâm.

Trong kỷ nguyên hiện đại, khi xã hội đang trải qua nhiều thách thức và biến động, vai trò của gia đình trở nên ngày càng quan trọng, mỗi gia đình tốt sẽ giúp cho xã hội khỏe mạnh, kinh tế ngày càng phát triển. Năm 2024, chủ đề của Tháng hành động là “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”. Chủ đề này mang nhiều ý nghĩa quan trọng và có tác động sâu rộng đến nhận thức, hành động của cộng đồng. “Chấm dứt bạo lực” nhấn mạnh vào sự cần thiết và cấp bách của việc loại bỏ hoàn toàn bạo lực gia đình, bởi bạo lực gia đình không chỉ gây ra những tổn thương vật chất và tinh thần cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả cộng đồng và xã hội.

Song song với đó, “Vun đắp yêu thương” đề cao giá trị của tình yêu và sự tôn trọng, sự quan tâm lẫn nhau trong các mối quan hệ gia đình. Nội dung này cũng đề cập đến ý nghĩa của các hoạt động hỗ trợ, giáo dục và tư vấn về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và quản lý xung đột, giúp các thành viên gia đình hiểu và yêu thương nhau hơn, giải quyết xung đột một cách hiệu quả. Chủ đề “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” là sự kết hợp tạo ra một giải pháp bền vững và toàn diện. Khi các mối quan hệ gia đình được xây dựng trên cơ sở yêu thương và tôn trọng, nguy cơ xảy ra bạo lực sẽ giảm thiểu đáng kể và chỉ khi bạo lực được loại bỏ, tình yêu thương được vun đắp, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội thực sự an toàn và hạnh phúc.

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, triển khai có hiệu quả các Chương trình MTQG, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân, tạo điều kiện cho các gia đình được sinh hoạt, được sinh sống trong một môi trường ngày càng tốt hơn. Công tác tuyên truyền, vận động luôn được duy trì đã đưa thông tin đến từng hộ gia đình về các chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề xây dựng gia đình, đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới. Nhận thức của Nhân dân, cộng đồng và chính quyền các cấp về công tác gia đình đã có chuyển biến tích cực. Mọi hành vi bạo lực gia đình đều bị lên án và xử lý kịp thời.

Cùng với đó là sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các mô hình, trong đó có thể kể đến việc nhân rộng các mô hình về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện nhân rộng được 29 mô hình (theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong đó có 145 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 145 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Góc tư vấn về giới và gia đình được duy trì bằng hai hình thức là tư vấn trực tiếp và tư vấn qua điện thoại, bên cạnh đó là duy trì hoạt động của gần 300 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và gần 300 mô hình, loại hình câu lạc bộ thu hút gần 11.000 thành viên hội viên hội phụ nữ tham gia. Thông qua các hoạt động hỗ trợ về phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động tổ chức thường niên hằng năm đã kịp thời can thiệp, xử lý các vụ việc về bạo lực gia đình, tuyên truyền, vận động mọi người cùng làm tốt công tác gia đình; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hộ gia đình, phương pháp chăm sóc, giáo dục con cái, cách ứng xử trong gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình...

“Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là mong muốn của mọi người và cả xã hội. Để thành hiện thực, từng thành viên trong gia đình biết tôn trọng, nâng niu những giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, cùng có ý thức vun vén, xây dựng mái ấm gia đình trở thành một pháo đài hạnh phúc, đủ sức tự vệ, không để các tệ nạn xã hội và lối sống thực dụng thâm nhập vào nếp sống gia đình. Chỉ có như thế, bạo lực gia đình mới chấm dứt và yêu thương được vun bồi./.

Thu Trang