PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chế độ cho người trông coi di tích: Bảo đảm quyền lợi, gia tăng trách nhiệm
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được triển khai khá hiệu quả, trong đó công tác bảo vệ, trông coi di tích đã được các địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bắc Kạn là chiến khu cách mạng, tập trung nhiều cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến, bởi vậy, rất nhiều địa danh đã đi vào lịch sử như Đồn Phủ Thông, Đèo Giàng, Nà Tu và An toàn khu (ATK) Chợ Đồn… Bên cạnh yếu tố con người và yếu tố lịch sử thì thiên nhiên cũng ưu đãi ban tặng cho Bắc Kạn nhiều danh lam thắng cảnh như danh thắng hồ Ba Bể, động Nàng Tiên, động Hua Mạ, hang Nả Phoòng… tạo nên kho tàng di sản văn hoá của tỉnh Bắc Kạn đa dạng và phong phú.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 120 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là danh thắng hồ Ba Bể và An toàn khu (ATK) Chợ Đồn; 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 69 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 42 di tích đã được kiểm kê chưa xếp hạng.

Từ năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐND về việc hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó quy định việc hỗ trợ kinh phí hằng tháng cho người trực tiếp trông coi các di tích đã được xếp hạng (quốc gia, cấp tỉnh) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐND, mỗi di tích có một người trông coi, bảo vệ; người trông coi, bảo vệ các di tích cấp quốc gia đã tu bổ, tôn tạo có mức hỗ trợ bằng 1,3 so với hệ số lương cơ sở; người trông coi, bảo vệ các di tích còn lại được hỗ trợ mức từ 0,2 đến 0,7 so với hệ số lương cơ sở.

Trước đây, khi Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐND chưa được ban hành, công tác trông coi, bảo vệ các di tích trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đây cũng là nguyên nhân khiến cho một số di tích bị lấn chiếm, xâm hại. Từ năm 2016 đến nay, thực trạng trên đã thay đổi tích cực khi người trực tiếp trông coi di tích đã được hỗ trợ kinh phí hằng tháng. Với chính sách này, người trông coi các điểm di tích đã có mức hỗ trợ nhất định, nhờ đó tinh thần, trách nhiệm với công việc cũng được nâng lên.

Ông Chu Văn Hậu là người thực hiện nhiệm vụ trông coi di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào (tháng 5/1945) thôn Hoàng Phài, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn. Tại đây, vào tháng 5/1945 trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) đi Tân Trào (Tuyên Quang), Bác Hồ đã dừng chân tại thôn Hoàng Phài, nơi đã diễn ra cuộc gặp và nói chuyện thân mật giữa Bác Hồ với đại diện các đoàn thể cùng đông đảo Nhân dân Cốc Đán.

Ông Chu Văn Hậu chia sẻ, ông thực hiện nhiệm vụ này từ năm 2017, hằng ngày, ông làm công việc trông coi, quét dọn, chăm sóc các loại cây trong khuôn viên di tích, hướng dẫn người dân đến thắp hương… Ông cảm thấy vinh dự được làm nhiệm vụ trông coi di tích lịch sử cấp Quốc gia - nơi giáo dục lịch sử cho mọi thế hệ người dân, nhất là thế hệ trẻ. Được tỉnh quan tâm, hỗ trợ chế độ cho người trông coi di tích đã góp phần động viên, khích lệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn, tôn nghiêm cho di tích.

Tại di tích lịch sử Quốc gia Đồn Phủ Thông - nơi diễn ra trận đánh lịch sử Công đồn Phủ Thông vang dội 76 năm trước của quân đội ta, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ di tích lịch sử, ông Đào Xuân Hậu cảm thấy tự hào. Nhận nhiệm vụ trông coi di tích từ tháng 7/2023, ông cho biết, Di tích ngày nay đã được tỉnh quan tâm tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Hơn nữa, HĐND tỉnh có Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho người trông coi di tích như chúng tôi đó là điều rất phấn khởi, chúng tôi thấy rằng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn trong việc trông coi, bảo vệ di tích. Điều chúng tôi trăn trở, mong muốn là di tích lịch sử Đồn Phủ Thông tiếp tục được tu bổ, tôn tạo, nhất là các vị trí đường hầm, địa đạo… để người dân hình dung rõ hơn về trận cường tập Phủ Thông - trận đánh công kiên bằng hỏa lực, quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên của bộ đội ta.

Không chỉ tại hai di tích trên mà tại các di tích khác cũng được tỉnh quan tâm, hỗ trợ cho người bảo vệ, trông coi di tích. Nghị quyết của HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương thực hiện nghiêm, chi trả đúng chính sách, đúng đối tượng, qua đó góp phần làm gia tăng trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ di tích, di sản trên địa bàn tỉnh./.

Hương Lan