PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2024.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất và đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan. Hội nghị được kết nối đến điểm cầu UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm, từ xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và người dân, công tác PCTT, TKCN năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, công tác PCTT, TKCN thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT, TKCN còn hạn chế; việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn; công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn cực đoan, lốc, sét còn hạn chế…

Năm 2024 được dự báo thời tiết diễn biến phức tạp. Hiện tượng ENSO duy trì trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6/2024 với xác suất 80 - 85%; từ tháng 7 - 9/2024, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 65% và có khả năng tiếp tục duy trì trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024. Nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng đã xảy ra sớm; khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN trong tháng 7 - 8/2024; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ tháng 4 đến nửa đầu tháng 5/2024, khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ 4 - 8/2024. Trên phạm vi cả nước tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh từ nay cho tới cuối năm 2024….

Tại tỉnh Bắc Kạn, những tháng đầu năm 2024 diễn biến thiên tai rất phức tạp, không khí lạnh tăng cường, các khu vực trên địa bàn tỉnh trời rét đậm, rét hại; xảy ra 2 đợt mưa dông, lốc trên diện rộng gây thiệt hại lớn về nhà ở và sản xuất nông nghiệp cùng nhiều công trình khác. Ước tính thiệt hại khoảng 16 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, cảnh giác trong công tác PCTT-TKCN từ Trung ương đến địa phương; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế còn gặp phải trong công tác PCTT-TKCN thời gian qua.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương cần kiện toàn lại bộ máy PCTT-TKCN và phòng, thủ dân sự; tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân để chủ động ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trước kỳ mưa lũ, rà soát các kịch bản, phương án hợp lý nhất, phù hợp với thực tiễn; cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các cơ quan liên quan nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, chính xác, kịp thời; các địa phương huy động nguồn lực đầu tư cho các hoạt động PCTT, TKCN…/.

Hương Dịu