PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp
Gần đây, công tác khen thưởng của Bắc Kạn ngày càng bám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là kịp thời khen thưởng thành tích đột xuất, người lao động trực tiếp, qua đó đã động viên, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ được giao.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Nhiều tấm gương nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động sản xuất được khen thưởng

Trong những năm qua, Bắc Kạn quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Việc bình xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đối tượng, công khai, công bằng, dân chủ, đúng người, đúng việc, kịp thời, không khen thưởng tràn lan.

Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm khen thưởng các đối tượng là công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, người dân tộc thiểu số và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác, đưa họ trở thành đối tượng ưu tiên đặc biệt khi xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Vì vậy, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt là những tập thể lao động nhỏ, cá nhân là người lao động trực tiếp được ghi nhận như công nhân, nông dân tạo ra nhiều của cải vật chất góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội. Hằng năm, số lượng khen thưởng cho nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp (cá nhân không hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo quản lý) đều tăng so với năm trước. Theo thống kê từ năm 2014 đến đầu năm 2024, toàn tỉnh có 5.979 lượt cá nhân được khen thương cấp nhà nước, cấp bộ; cấp tỉnh có 58 lượt người là công nhân, 1.196 lượt người là nông dân, 3.069 lượt người là người lao động trực tiếp. Đây là những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương.

Ông Hà Văn Trưởng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Pá, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới là một trong những người có uy tín ở địa phương. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ, phát triển rừng và công tác dân vận, bản thân ông Hà Văn Trưởng đã vận động Nhân dân trong thôn phát triển thế mạnh kinh tế về trồng rừng, vận động khéo với nhiều cách làm năng động, sáng tạo.

Ông Hà Văn Trưởng chia sẻ, từ khi có chương trình trồng rừng theo Dự án 327, Dự án 661 phủ xanh đồi núi trọc, bản thân ông đã vận động các hộ gia đình trồng được 120 ha các loại cây keo hom, keo úc, mỡ... Hiện nay, cả thôn không còn đồi núi trọc, rừng đã được che phủ, giúp người dân có nguồn thu nhập cao từ trồng rừng, nhiều hộ mỗi năm thu nhập đến 200 triệu mỗi năm.

Ngoài vận động Nhân dân phát triển kinh tế từ trồng rừng, ông còn tích cực vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với nhiều kết quả trong công tác vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, ông Hà Văn Trưởng vinh dự là một trong 59 người có uy tín, trưởng thôn tiêu biểu trong toàn tỉnh được biểu dương tại Hội nghị biểu dương người có uy tín, trưởng thôn và điển hình tiên tiến, tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, năm 2023; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen là người uy tín tiêu biểu có thành tích xuất sắc góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2022.

Ở vùng cao Pác Nặm, ông Chu Văn Chanh, thôn Nà Pùng, xã Cổ Linh đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn trang trại gần 10 năm nay. Ông cho biết, Cổ Linh là xã vùng cao, gia đình ông cũng như người dân trước đây đều chỉ sản xuất nông, lâm nghiệp, mấy năm gần đây mới phát triển thêm dịch vụ. Nhìn chung, đời sống đại bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Quyết tâm tìm cách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, ông tìm tòi làm rất nhiều công việc khác nhau như nấu rượu, thu mua nông sản theo mùa vụ, dịch vụ xay sát thóc cho bà con trong vùng. Nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn về lợn sạch, phụ phẩm từ nghề nấu rượu và xay sát thóc có thêm nguồn thức ăn chủ động cho chăn nuôi, ông đã bàn với gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi lợn.

Chuồng trại đều do tự ông thiết kế, làm thêm hầm bioga vừa không bị ô nhiễm môi trường vì phế thải của chăn nuôi, vừa có chất đốt. Ông cũng thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; lựa chọn giống nuôi chất lượng nên trang trại lợn của gia đình ông Chanh hằng năm đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, sau khi trừ mọi chi phí, trang trại lợn mang lại cho gia đình ông khoảng 500 đến 700 triệu đồng mỗi năm. Lợn nuôi tại trang trại của gia đình ông Chanh được xuất bán cho các tư thương trên địa bàn huyện và các tư thương đến từ tỉnh Cao Bằng.

Nhanh nhạy trong phát triển kinh tế cùng với đức tính siêng năng, cần cù, ông Chanh đã thành công trong việc tìm ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Với mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, những năm qua, hộ gia đình ông Chanh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và Chủ tịch UBND huyện.

Ở khối cơ quan chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Nụ giảng dạy môn Địa lý tại Trường THPT Chuyên Bắc Kạn là một trong những tấm gương sáng tiêu biểu. Được nhà trường tin tưởng, giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý, bản thân cô luôn tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tự học, tham gia các lớp tập huấn, học từ các thầy và giáo viên có trình độ chuyên môn cao ở các trường chuyên ngoài tỉnh. Nhờ vậy, cô đã tích lũy được kiến thức chuyên môn vững vàng, học hỏi kinh nghiệm ôn tập một cách có hiệu quả cho học sinh.

Cô Nụ đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho việc ôn tập, ngoài các buổi ôn luyện theo thời khóa biểu của nhà trường, cô sắp xếp thêm các buổi ôn tập cho phù hợp. Song song với đó, cô cũng ưu tiên lựa chọn các phương pháp dạy học tích cực, phát huy được tính chủ động, sáng tạo và tìm tòi của học sinh như phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp sơ đồ hoá, thực nghiệm, rèn luyện cho học sinh kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề; tự kiểm tra, đánh giá…

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Địa lý và nhiều năm được giao phụ trách đội tuyển học sinh giỏi tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và Trại hè Hùng Vương, cô đã gặt hái được những thành tích đáng tự hào, đóng góp vào thành tích chung của nhà trường. Đặc biệt, năm học 2021 - 2022, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý do cô phụ trách đã có 3/6 học sinh đạt giải, trong đó có 1 học sinh đạt giải Nhất (đây là lần đầu tiên tỉnh Bắc Kạn có học sinh đạt giải Nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia). Năm 2022, đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý tham dự Trại hè Hùng Vương cũng đã có 1 học sinh đạt Huy chương Vàng. Vừa qua, học sinh của cô đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023 - 2024.

Những nỗ lực của cô đã được các cấp, các ngành ghi nhận và biểu dương. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; năm học 2017 - 2018, cô được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm học vừa qua, cô Nguyễn Thị Nụ tiếp tục được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì tham gia ôn luyện đội tuyển môn Địa lý có học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024.

Ngoài những cá nhân trên, Bắc Kạn còn rất nhiều tấm gương điển hình trong học tập và lao động sản xuất, đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương. Đó là em Nông Hồng Minh với đam mê nghiên cứu khoa học đã có nhiều sáng chế, phát minh công nghệ mang lại giá trị cho cuộc sống; đó là Thượng úy Triệu Tiến Minh (Công an tỉnh Bắc Kạn) với những nỗ lực trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; hay những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi như ông Phạm Văn Khoa, thôn Phiêng Luông, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, bà Doanh Hồng Na, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, ông Phạm Văn Đức xã Cao Tân, huyện Pác Nặm…

Ở mỗi vị trí việc làm hay công tác, mỗi người công nhân, nông dân, công chức, viên chức, người lao động luôn nỗ lực thi đua làm tốt công việc của mình. Sự ghi nhận, biểu dương của các cấp ủy, chính quyền kịp thời, chú trọng khen thưởng vào người lao động trực tiếp đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn tỉnh, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Hương Lan