PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Công nghệ giúp phụ nữ Bắc Kạn tự tin khởi nghiệp
Thời gian qua, chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội cho phụ nữ Bắc Kạn tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới mà còn tạo điều kiện cho chị em tham gia vào các nền tảng giao dịch thương mại, tiếp cận đa dạng khách hàng, quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả, nhất là đối với các chị đang là giám đốc các hợp tác xã, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chị Nông Thị Hồng Quyên, thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn) quảng cáo sản phẩm cơm cháy trên mạng xã hội

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, chị Nông Thị Hồng Quyên, chủ Cơ sở sản xuất cơm cháy gạo nếp nương, tổ 1, thị trấn Bằng Lũng có thể kết nối, trao đổi, giới thiệu sản phẩm với khách hàng, giao dịch, bán hàng, đặt mua các nguyên liệu chỉ trong thời gian ngắn, vừa nhanh lại thuận lợi, không mất nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại.

Với ý tưởng đưa sản phẩm cơm cháy gạo nếp nương của địa phương vươn xa, chị Quyên đã tận dụng lợi thế của các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên nền tảng facebook, zalo, đồng thời giới thiệu trên trang Website ketnoiocop.vn... Để tiếp cận với dòng chảy công nghệ số, chị đặc biệt chú trọng tới khâu đóng gói, truy xuất nguồn gốc, mã vạch, tạo thuận lợi cho khách hàng tìm kiếm nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản phẩm.

Nhờ ứng dụng các nền tảng số trong để quảng bá, tiếp thị và bán hàng nên sản phẩm cơm cháy gạo nếp nương đã có mặt tại các thị trường Thái Nguyên, Hà Nội, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi độ giòn, ngon và chất lượng của sản phẩm. Mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất được khoảng hơn 100 túi cơm cháy gạo nếp nương, việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi do đã kết nối với nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài tỉnh thông qua việc ứng dụng nền tảng mạng xã hội để bán hàng.

Chị Quyên chia sẻ: “Lựa chọn bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử không mất chi phí, không bị giới hạn về khoảng cách địa lý và có thể tiếp cận với đa dạng khách hàng hơn, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở ngày càng phát triển. Có công nghệ hỗ trợ đã giúp tôi tự tin hơn trên hành trình khởi nghiệp”.

Chị Lê Thị Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao BKFOODS tham gia tập huấn kỹ năng bán hàng
trên nền tảng số do Hội LHPN tỉnh tổ chức 

Với chị Lê Thị Hương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao BKFOODS (thành phố Bắc Kạn), bên cạnh đầu tư máy móc để sản xuất các sản phẩm hoa hồi sấy khô, trà giảo cổ lam, nghệ thái lát, trà hoa vàng, măng nứa tép thì bài toán đầu ra cho sản phẩm cũng được chị đặc biệt chú trọng. Theo đó, chị đã khai thác triệt để các nền tảng số để phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới khách hàng, từ khâu quay video ghi lại quá trình sản xuất, vùng trồng nguyên liệu gửi cho các đối tác đến việc xây dựng các trang fanpage, facebook và các nhóm Zalo kết nối với những đơn vị tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ chủ động, nắm bắt nhanh lợi thế của các nền tảng mạng xã hội đã giúp cho sản phẩm của HTX tiếp cận được với đông đảo khách hàng trong và ngoài nước. Bình quân mỗi năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao BKFOODS xuất khẩu 150 tấn gừng, nghệ khô và 50 tấn hoa hồi khô sang thị trường nước Anh. Hiện nay, HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ với 200 ha hồi, 50 ha quế, 25 ha gừng, 7 ha trà hoa vàng hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ.

Chị Lê Thị Hương cho biết: “Tôi tận dụng công nghệ để kiên kết với các đối tác, kết nối với các đơn vị thu mua để xuất khẩu sản phẩm, trao đổi với người dân vùng trồng nguyên liệu về quy trình, kỹ thuật chăm sóc bảo đảm đạt tiêu chuẩn, yêu cầu về sạch, an toàn. Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, việc tận dụng các nền tảng số đã giúp cho sản phẩm đến được với đông đảo khách hàng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng phát triển, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương”.

Là người khởi nghiệp từ những sản phẩm của địa phương, chị Triệu Thị Thành, Giám đốc HTX Hoa Sơn, xã Mỹ Phương (Ba Bể) cũng chủ động học hỏi, khai thác thế mạnh của mạng xã hội để quảng bá, bán sản phẩm của HTX như trà xạ đen, thảo dược tắm, rượu men lá đến với người tiêu dùng.

Chị Thành cho hay, nhờ việc phát triển của các nền tảng số đã giúp cho việc giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm của HTX thuận lợi hơn rất nhiều so với lối bán hàng truyền thống trước đây. Nắm bắt lợi thế đó, HTX đã xây dựng chiến lược viết bài, chụp ảnh sản phẩm giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Có thể nói, chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ nói chung và phụ nữ Bắc Kạn nói riêng, ngày càng có nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó không ít người thành công nhờ biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh trên thị trường./.

Thu Trang