PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

05/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Công tác phòng chống tác hại của thuốc lá - Còn đó những khó khăn
Với quyết tâm dành quyền ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL), Luật có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Từ đó đến nay, việc thực thi Luật và xây dựng môi trường không khói thuốc trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các thầy thuốc khám tầm soát bệnh phổi cho người dân tại xã Khang Ninh, huyện Ba Bể

Hơn 10 năm sau khi Luật PCTHCTL có hiệu lực, các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ, kinh tế, xã hội. Nhận thức, ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai, phối hợp hiệu quả, tích cực các hoạt động liên ngành trong công tác PCTHCTL như thanh tra, kiểm tra liên ngành, tổ chức mít tinh, hội nghị, tập huấn, truyền thông, sự kiện thể thao không thuốc lá..., tạo được sự hưởng ứng tích cực, đông đảo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh thành lập 3 phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn và Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới; 124 cơ sở y tế Nhà nước thực hiện tư vấn cho bệnh nhân (có sử dụng thuốc lá) khi đến khám bệnh. Trung bình mỗi năm, các cơ sở y tế tư vấn cai nghiện cho trên 10.000 lượt người.

Các hộ kinh doanh cơ bản tuân thủ đúng theo quy định của Luật PCTHCTL, có giấy phép bán lẻ được cơ quan có thẩm quyền cấp; mặt hàng thuốc lá điếu bày bán trên thị trường chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn và thông tin cảnh báo đầy đủ theo quy định.

Dù vậy, công tác PCTHCTL tại tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTHCTL các cấp còn mang tính hình thức, nhiều địa phương chưa phát huy được vai trò của Ban Chỉ đạo. Một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn một số ít đơn vị chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các công chức, viên chức, người lao động cai nghiện thuốc lá. Hơn nữa, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, cây thuốc lá vẫn là cây trồng mũi nhọn nên việc thực hiện giải pháp giảm nguồn cung cấp sản phẩm thuốc lá cũng gặp khó khăn. Công tác truyền thông chưa được triển khai thường xuyên, sâu rộng đến nhiều nhóm đối tượng trên địa bàn. Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ đầu mối triển khai hoạt động PCTHCTL chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, chưa có cơ chế phụ cấp khi tham gia hoạt động này nên phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai và thực hiện Luật PCTHCTL.

Luật PCTCCTL có quy định rõ về các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Để cụ thể hóa quy định của Luật, ngày 11/5/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá. Theo đó, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm có: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao...

Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá gồm có: Khu vực cách ly của sân bay; quán bar; quán karaoke; vũ trường; khách sạn; nhà nghỉ; nhà khách; khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng gồm: Cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác...

Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn gồm có ô tô, tàu bay, tàu điện.

Mặc dù công tác PCTHTL đã được hiện thực hóa thành luật nhưng để luật đi vào đời sống vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn hiện tượng hút thuốc lá tại nơi làm việc và những nơi công cộng. Theo kết quả điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá tỉnh Bắc Kạn của Quỹ Phòng PCTHCTL thực hiện tại huyện Bạch Thông, Ngân Sơn và thành phố Bắc Kạn trong năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên là 18,8%. Trong đó, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá chiếm 37,6%, nữ giới là 0,3%. Tại cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả khuôn viên nhưng thực tế tại các trung tâm y tế, bệnh viện vẫn có rất nhiều người “vô tư” hút thuốc... Trong khi đó, việc xử lý vi phạm thực hiện chưa nghiêm khiến người dân thờ ơ với quy định. Tại nhiều địa điểm công cộng khác, nơi có quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn, có biển “Cấm hút thuốc lá” thì tình trạng hút thuốc lá vẫn thản nhiên diễn ra. Có những người hút thuốc lá ngay bên cạnh phụ nữ mang thai và trẻ em. Khi được hỏi về luật thì nhiều người biết rõ là cấm hút thuốc lá nhưng hầu như không mấy ai bận tâm, đơn giản vì chẳng có ai xử phạt.

Các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tiếp cận, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, trong những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Việc sử dụng thuốc lá điện tử tăng nhanh, nhất là trong lứa tuổi học sinh. Những khó khăn này ảnh hưởng lớn tới các nỗ lực PCTHCTL và là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ làm cho tỷ lệ hút thuốc gia tăng trở lại nếu không tiếp tục có các biện pháp quyết liệt và kịp thời.

Trước những khó khăn, thách thức trên, để Luật PCTHCTL đi vào cuộc sống, vấn đề cốt lõi cần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi thói quen, hành vi sử dụng thuốc lá. Vì thế, cần sự chung tay của cả cộng đồng tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, về các ảnh hưởng của thuốc lá đối với những người trực tiếp sử dụng và cả người hút thuốc lá thụ động. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật PCTHCTL, đưa Luật PCTHCTL thực sự đi vào cuộc sống; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

Ngọc Tú