PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/12/2016
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đảng bộ huyện Ngân Sơn sau 20 năm xây dựng và phát triển
Cách đây 20 năm (01/01/1997), khi tái lập tỉnh, huyện Ngân Sơn có xuất phát điểm thấp; nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng lạc hậu thiếu thốn, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, dưới sự giúp đỡ của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong huyện, 20 năm qua Ngân Sơn đã có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cách đây 20 năm (01/01/1997), khi tái lập tỉnh, huyện Ngân Sơn có xuất phát điểm thấp; nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng lạc hậu thiếu thốn, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, dưới sự giúp đỡ của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong huyện, 20 năm qua Ngân Sơn đã có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

Có thể khẳng định, từ những định hướng, chủ trương và chính sách phù hợp của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, 20 năm qua, Ngân Sơn có bước tiến dài. Kinh tế luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, nhất là trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 7,46 % năm. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực đạt được nhiều thành tựu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao đời sống nhân dân. Nếu như năm 1997 tổng diện tích gieo trồng cây lương thực cả năm của huyện mới đạt khoảng 2.700ha thì năm 2016 đã tăng trên 4.084ha; năng suất cây lương thực đạt 34 tạ/ha, nay lên 42,5tạ/ha . Tổng sản lượng lương thực bình quân 7.760 tấn, nay đạt 16.806 tấn; bình quân lương thực 285kg/người/năm, nay tăng 587kg/người/năm.

 Lúa nếp thơm (Khẩu Nua Lếch) là cây trồng đang được huyện tập trung chỉ đạo phát triển

Diện tích canh tác đất ruộng đạt giá trị từ 70 triệu đồng trở lên/ha/năm, tăng dần qua các năm. Năm 2016 toàn huyện đã thực hiện được 680ha, tăng 36% so với năm 2010; trong đó có 650ha đạt giá trị trên 90 triệu đồng/ha/năm (gồm cây thuốc lá và lúa nếp thơm) đem lại thu nhập khá và ổn định cho các hộ sản xuất. Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo cải tạo và phát triển đàn đại gia súc. Thông qua các đề án, chương trình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã mang đến cho người dân thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình.

Công tác quản lý, phát triển rừng luôn được chú trọng, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với nghề rừng, hiện nay số diện tích rừng đã trồng theo các dự án đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng rừng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ rừng; nhận thức của nhân dân về lợi ích từ việc trồng và bảo vệ rừng đã được nâng lên; đến nay tỷ lệ che phủ rừng  đạt là 64%.

Kết cấu hạ tầng, xây dựng cơ bản được quan tâm, hệ thống đường giao thông do huyện quản lý được đầu tư, cải tạo. Giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng được đầu tư đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Các dự án điện nông thôn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư luôn đảm bảo tiến độ và được thực hiện đúng quy định. Giai đoạn 2010 - 2015, tổng vốn đầu tư phát triển khoảng 364 tỷ đồng, gấp 11 lần so với giai đoạn 1996 - 2000.

Song song với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 40,2%, đến năm 2015 giảm xuống còn 17,22% (theo chuẩn nghèo cũ).

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như từ sau khi tái lập tỉnh, toàn huyện chỉ có hơn 10 trường học ở các bậc học phổ thông, đến nay mạng lưới trường lớp đã được mở rộng với 34 trường, tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc được theo học. Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng nâng cao. Đến nay 11/11 xã, thị trấn trong huyện đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020; các trung tâm y tế, trạm y tế xã được đầu tư, xây dựng khang trang, bổ sung trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Người dân đã tích cực hiến đất (tổng diện tích là 17.122,25m2), đóng góp ngày công lao động, tiền mặt xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi trên địa bàn. Tổng số tiêu chí đạt của 10 xã đến thời điểm là 67, tăng lên 44 tiêu chí so với thời điểm rà soát xây dựng quy hoạch năm 2011.

Trong công tác xây dựng Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ trong các nhiệm kỳ qua là tăng cường củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1997 Đảng bộ huyện có 30 tổ chức cơ sở đảng với 815 đảng viên, có 58/169 thôn chưa có đảng viên. Đến năm 2008 huyện đã xóa hết thôn “trắng đảng viên”. Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ toàn huyện đã chia tách được 42 chi bộ thôn sinh hoạt ghép, phấn đấu đến năm 2020 không còn chi bộ sinh hoạt ghép. Hiện tại, Đảng bộ huyện có 46 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc và 198 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với 2.701 đảng viên.  Qua đánh giá xếp loại hàng năm, số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn đạt trên 87%.

Bên cạnh thực hiện công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện cũng thường xuyên quan tâm xây dựng củng cố chính quyền ngày càng vững mạnh. Hội đồng nhân dân từ huyện đến cơ sở hoạt động thường xuyên theo luật định. Tổ chức bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao năng lực hoạt động đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đã phát huy được vai trò nòng cốt trong việc vận động hội viên quần chúng tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vận động quần chúng hưởng ứng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và các phong trào khác như: Nuôi dạy con tốt, vận động kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, phong trào tuổi trẻ giữ nước, thanh niên lập nghiệp, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo….

Việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo chủ đề hàng năm, được Đảng bộ huyện thực hiện nghiêm túc, có sự đổi mới về phương thức triển khai, được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện đồng tình và đánh giá cao. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động; tích cực hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... 

Nhìn lại 20 năm qua, với sự đoàn kết, sáng tạo, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự sáng tạo của nhân dân, huyện Ngân Sơn đã có bước tiến dài. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong 20 năm qua của huyện Ngân Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển giai đoạn mới. Do vậy trong chặng đường đi tới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Ngân Sơn quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, với mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; đoàn kết, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, quyết tâm xây dựng huyện Ngân Sơn ngày càng phát triển”; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015 - 2020./.

Hoàng Hà Bắc - Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn