PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đánh giá giữa kỳ Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn
Ngày 29/7/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa đã đồng chủ trì cuộc họp đánh giữa kỳ Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn với Ngài Thomas Rath - Giám đốc IFAD tại Việt Nam.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Lê Hải Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo dự án CSSP tỉnh Cao Bằng; Đỗ Thành Lâm - Trưởng đoàn đánh giá giữa kỳ IFAD; các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Điều phối dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng; Ban Điều phối dự án CSSP các huyện Bạch Thông, Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn.

 Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ (CSSP) tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn do Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ. Hiệp định tài trợ Dự án được ký giữa Chính phủ Việt Nam và IFAD có hiệu lực từ ngày 07/8/2017, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/9/2023 và đóng Dự án vào ngày 31/3/2024. Mục tiêu tổng quát của Dự án là góp phần giảm nghèo bền vững và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của các nông hộ nghèo và cận nghèo tại các xã mục tiêu của Dự án. Tổng vốn của Dự án tại 2 tỉnh là 74,3 triệu USD, trong đó vốn vay từ IFAD là 42,5 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của IFAD là 0,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ là 19,07 triệu USD và đóng góp của người hưởng lợi là 10,75 triệu USD. Theo thiết kế ban đầu, các hoạt động Dự án sẽ được triển khai trên phạm vi 70 xã thuộc 09 huyện của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn; tuy nhiên, do sáp nhập các xã và huyện tại Cao Bằng, Bắc Kạn nên hiện vùng Dự án là 63 xã thuộc 08 huyện.


Quang cảnh cuộc họp

Cuộc họp đã đánh giá các khía cạnh hoạt động của Dự án như: Quản lý và thực hiện các hoạt động, quản lý tài chính và sắp xếp giải ngân, giám sát, mức độ hoàn thành các mục tiêu của Dự án và mức độ can thiệp của Dự án đang đạt được tại các nhóm mục tiêu; thảo luận thống nhất các hành động khắc phục cần thiết cho Dự án để đạt được các đầu ra, kết quả và tác động tiềm năng của Dự án; kiểm tra tiến độ của từng hợp phần, xác định kết quả đạt được và các vướng mắc cản trở tiến độ thực hiện Dự án; xác định các bài học kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến thiết kế Dự án, quản lý, tổ chức, thể chế, các khía cạnh giám sát và đánh giá …

Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ dự án CSSP hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, tiến độ thực hiện chung và mục tiêu phát triển của Dự án là tương đối đạt yêu cầu. Các hoạt động của Dự án đã tiếp cận tới 9.683 hộ với 42.651 người (98% dân tộc thiểu số, 52% phụ nữ, 67% hộ nghèo và cận nghèo) tại tỉnh Cao Bằng và 13.252 hộ với 60.418 thành viên (98% dân tộc thiểu số, 57% phụ nữ, 60% hộ nghèo và cận nghèo) tại tỉnh Bắc Kạn. Khảo sát đánh giá giữa kỳ cả hai tỉnh cho thấy, đã đạt được các kết quả tích cực trong việc nâng cao năng lực và trao quyền cho người hưởng lợi.

Đoàn đánh giá giữa kỳ IFAD đánh giá cao Dự án đã rất nỗ lực giải quyết khó khăn về ngân sách cũng như thách thức từ bên ngoài để đạt được kết quả tích cực trong triển khai hoạt động, thực hiện các khuyến nghị của đoàn giám sát năm 2019. Các công cụ của Dự án như Kế hoạch đầu tư chiến lược (SIP), Kế hoạch hành động chuỗi giá trị (VCAP), Kế hoạch hành động BĐKH (CCAP), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định hướng thị trường (MoSEDP), Quỹ đầu tư (CIF), Quỹ cạnh tranh/Quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nhóm chung sở thích, nhóm tiết kiệm tín dụng Hội Phụ nữ, Quỹ đầu tư xúc tiến kinh doanh nông nghiệp đã bắt đầu đi vào hoạt động và phát huy một số kết quả tích cực. Đoàn nhận thấy với năng lực và bộ máy đã được kiện toàn như hiện nay, các Văn phòng Ban Điều phối Dự án có khả năng triển khai tốt các hoạt động hiện nay cũng như hoàn thành các mục tiêu tham vọng của Dự án về lâu dài.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa,
Trưởng Ban Chỉ đạo dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa - Trưởng Ban Chỉ đạo dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh vai trò của dự án CSSP đối với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và khẳng định: Mục tiêu Dự án rất phù hợp, cùng với các chương trình, chính sách của Chính phủ để lồng ghép và tổng hợp nguồn lực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn hiện nay. Nếu Dự án được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt thì kết quả của Dự án sẽ đóng góp vô cùng quan trọng và là một trong những yếu tố quyết định cho việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân; hỗ trợ một cách tích cực để thực hiện đạt mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao phương pháp làm việc khoa học, tích cực và những nhìn nhận rất khách quan của đoàn giám sát đánh giá giữa kỳ IFAD. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn, những nội dung của Dự án triển khai trong 03 năm vừa qua có nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan đã được đoàn đánh giá phân tích đầy đủ, tuy nhiên bên cạnh đó có những nguyên nhân xuất phát từ chủ quan; đồng thời bày tỏ hi vọng trong thời gian còn lại của Dự án, qua đợt đánh giá giữa kỳ lần này với những khuyến nghị của đoàn đánh giá, sự điều chỉnh tích cực, kịp thời của Ban Chỉ đạo các tỉnh trong thực hiện, Dự án sẽ đạt mục tiêu đề ra.


Ngài Thomas Rath - Giám đốc IFAD tại Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Ngài Thomas Rath - Giám đốc IFAD tại Việt Nam nhấn mạnh về mục tiêu của việc đánh giá giữa kỳ dự án CSSP hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Qua kết quả thực hiện của Dự án từ khi được triển khai (tháng 8/2017) đến nay, Ngài Thomas Rath ghi nhận sự đóng góp rất lớn từ UBND các tỉnh đối với Dự án. Theo Giám đốc IFAD tại Việt Nam, để triển khai có hiệu quả tốt hơn, Dự án cần có sự lãnh đạo chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa của UBND tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Hai tỉnh cần thực hiện tốt hơn nữa việc lồng ghép các hoạt động của Dự án với những chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai tại địa phương; cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Ban Điều hành Dự án với các sở, ban, ngành để triển khai các hoạt động của Dự án có hiệu quả; cấp huyện, xã cần nâng cao năng lực về mặt kỹ thuật cũng như về quản lý để có thể tiếp nhận kết quả Dự án một cách hiệu quả nhất./.

Hương Dịu