PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/12/2016
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Du lịch Bắc Kạn 20 năm xây dựng và phát triển
20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành du lịch Bắc Kạn đã có những bước phát triển đáng khích lệ và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh đang nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút các nhà đầu tư và du khách đến với Bắc Kạn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành du lịch Bắc Kạn đã có những bước phát triển đáng khích lệ và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh đang nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút các nhà đầu tư và du khách đến với Bắc Kạn.

Vẻ đẹp tự nhiên của hồ Ba Bể (Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Luyến, hội viên Hội VHNT Bắc Kạn)

Bắc Kạn là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, trong đó nổi bật là Vườn Quốc gia Ba Bể - danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia (năm 1996), di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2012) và là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.

Vườn Quốc gia Ba Bể có hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với gần 500 loài thực vật, 300 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Hồ còn là nơi sinh sống của 49 loài cá nước ngọt… Có thể nói, Vườn Quốc gia Ba Bể không những có giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà còn có tiềm năng to lớn về du lịch. Du ngoạn trên sông Năng, trên hồ Ba Bể, du khách còn được khám phá nhiều cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú như Ao Tiên, Động Puông, thác Đầu Đẳng, động Nà Phoòng…

Với tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn cùng hệ thống hang động, các giá trị văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú, Vườn Quốc gia Ba Bể là điểm nhấn để phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch tham quan, khám phá mạo hiểm, du lịch nghiên cứu, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, vui chơi giải trí cuối tuần… Với tiềm năng đó, Vườn Quốc gia Ba Bể đã được xác định phát triển thành khu du lịch quốc gia theo chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn là quê hương cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược. Các di tích lịch sử cách mạng như ATK Chợ Đồn, di tích chiến thắng Phủ Thông, Đèo Giàng; di tích lịch sử Nà Tu, Cẩm Giàng… là những di tích mang dấu ấn cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng ta. Đây chính là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển loại hình du lịch lịch sử.

Câu lạc bộ hát then bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể biểu diễn phục vụ khách du lịch

Ngoài ra, Bắc Kạn còn là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em Tày, Nùng, Dao, Kinh, Sán Chay, Mông, Hoa. Mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng, mang đậm nét văn hóa bản sắc của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Các bản nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, Mông, các làn điệu dân ca hát then, shi, lượn, múa khèn, các lễ hội truyền thống như lễ hội lồng tồng, hội xuân, lễ hội tín ngưỡng… đã tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách. Một số điểm du lịch tâm linh như đền Thắm, chùa Thạch Long, ngoài kiến trúc nghệ thuật còn có môi trường cảnh quan thiên nhiên đẹp hàng năm cũng thu hút rất đông du khách.

Với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, Bắc Kạn đã tập trung cho công tác quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 30/5/2003 về đổi mới và phát triển du lịch; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 19/4/2012 về phát triển thương mại, dịch vụ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó xác định tập trung cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư khai thác phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu ngân sách, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác của tỉnh cùng phát triển; tăng cường giao lưu về văn hóa giữa các dân tộc trong nước và quốc tế, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trong tỉnh; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế…

Trong những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, Tổng cục du lịch và sự nỗ lực của các cấp, ngành địa phương, hoạt động du lịch đã đạt được những kết quả nhất định. Ngoài việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh còn quan tâm đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch khác của địa phương như Khu du lịch sinh thái Nà Khoang (Ngân Sơn), Khu du lịch sinh thái Thác Bạc, thành phố Bắc Kạn, điểm du lịch Động Hua Mạ (huyện Ba Bể), Động Nàng Tiên (huyện Na Rỳ) và xây dựng các tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên vùng. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã tập trung vào khai thác lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa với sự tham gia của các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư trong các khu du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, cơ sở lưu trú tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1997, cả tỉnh chỉ có 19 cơ sở với 140 phòng, đến nay trên địa bàn đã có 196 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 1.600 phòng đạt tiêu chuẩn. Lượng du khách cũng ngày một tăng, năm 1997 chỉ đạt 15.000 lượt khách thì đến năm 2016 lượng khách du lịch đến Bắc Kạn đã đạt 435.000 lượt khách (tăng 29 lần so với năm 1997). Doanh thu du lịch năm 1997 chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, năm 2016 đã đạt 300 tỷ đồng (tăng gấp 120 lần so với năm 1997).

Lễ động thổ dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể

Đặc biệt, năm 2015, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức động thổ xây dựng Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể, là cơ sở lưu trú quy mô lớn nhất của tỉnh. Giai đoạn 2015 - 2020, dự án sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp nhà khách, tăng số phòng lưu trú; xây dựng hệ thống nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí... hướng đến đối tượng khách nghỉ dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan và kết nối các tuyến, điểm du lịch nổi tiếng tại vùng Đông - Tây Bắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Bắc Kạn còn gặp không ít khó khăn. Công tác xúc tiến đầu tư cho du lịch chưa được phát huy đúng tầm nên việc kêu gọi đầu tư vào các dự án quy hoạch du lịch trên địa bàn đến nay vẫn chưa thu hút được sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp kinh doanh đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ cá thể vốn ít, năng lực đầu tư hạn chế; việc kêu gọi đầu tư cho du lịch chưa tìm được đối tác có tiềm lực tài chính; sản phẩm du lịch chưa phong phú, đặc sắc; hoạt động xúc tiến du lịch và dự báo thị trường, quảng bá của một số doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế...

Để thúc đẩy du lịch Bắc Kạn phát triển, ngành du lịch Bắc Kạn đã đưa nhiều giải pháp như: Chú trọng đầu tư ưu tiên vào các khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế. Từng bước tạo dựng hình ảnh du lịch Bắc Kạn trong mắt du khách; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động...

Tỉnh cũng vừa thông qua quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu chung là đưa du lịch Bắc Kạn giai đoạn từ năm 2020 đến 2025 trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với những bước phát triển bền vững, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành khác cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo tiền đề đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong thời gian tới, ngành du lịch Bắc Kạn tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Tổng cục Du lịch, trước hết là tập trung lập quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Ba Bể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở đầu tư xây dựng hạ tầng, kêu gọi các dự án đầu tư tập trung vào phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo thương hiệu cho các sản phẩm du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, lễ hội; tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh, liên kết hợp tác với các tỉnh lân cận, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như mặt bằng, đường, điện tại khu du lịch Ba Bể; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng đạt chuẩn, phát triển dịch vụ vui chơi giải trí để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Với truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, sự ưu ái của thiên nhiên, cùng với những định hướng và giải pháp cụ thể, tin tưởng rằng thời gian tới, du lịch Bắc Kạn sẽ khởi sắc, tạo nhiều việc làm cho người dân, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Thu Trang