PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Giám sát giúp Chương trình MTQG đi đúng và trúng đích
Giám sát của MTTQ là công cụ quan trọng để phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng các mô hình “Giám sát của cộng đồng” để giám sát các nguồn lực từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ, đầu tư thực hiện trên địa bàn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các công trình giao thông được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS
và miền núi đảm bảo chất lượng nhờ công tác kiểm tra, giám sát
(Ảnh: Đường giao thông nông thôn xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn)

Trần Phú là xã vùng cao của huyện Na Rì có tổng diện tích tự nhiên là 4.701 ha, gồm 734 hộ, 3.173 nhân khẩu với 5 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chí cùng sinh sống. Những năm qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi… được triển khai tại địa phương đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với mặt bằng chung cả nước.

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn tại Kế hoạch số 316/KH-MTTQ-BTT ngày 10/10/2022 về triển khai xây dựng mô hình điểm “Giám sát của cộng đồng” trong thực hiện các Chương trình MTQG, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Trần Phú đã được thành lập với 10 thành viên.

Ngay sau khi được thành lập, Ban Giám sát của cộng đồng xã Trần Phú đã xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch hoạt động năm, kế hoạch theo từng chương trình dự án trên cơ sở trao đổi, thống nhất với HĐND và UBND cùng cấp. Từ năm 2022 đến nay, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã thực hiện giám sát được 11 công trình, trong đó riêng năm 2024 đã giám sát 2 công trình thuộc Chương trình MTQG.

Các nội dung giám sát tập trung vào Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt;

Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân;

Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, cụ thể Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Từ thực tế giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã có 14 ý kiến, kiến nghị về công tác thi công, chất lượng vật liệu, sự phù hợp của dự án gửi cơ quan chức năng và đơn vị thi công… Nhiều công trình được Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã giám sát đang phát huy tốt hiệu quả như: Công trình đường liên thôn Pá Phấy - Nà Noong; Nhà văn hoá thôn Pá Phấy; đổ bê tông đường liên thôn Khau Móoc - Nà Mới; đổ bê tông đường sản xuất Soong Sáo; đổ bê tông đường sản xuất Phiêng Pụt; xây rãnh thoát nước đường liên thôn Khau Móoc - Phiêng Pụt…

Từ mô hình Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại xã Trần Phú và một số địa phương khác, năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo triển khai nhân rộng thêm 9 mô hình “Giám sát của cộng đồng” tại một số xã khác thuộc các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Qua đánh giá chung cho thấy, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã và các thành viên đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, trong công tác giám sát. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào việc tổ chức triển khai, thực hiện, việc xác định đối tượng thụ hưởng, việc phân bổ nguồn vốn thực hiện; công tác chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư; việc triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ; việc nghiệm thu, bàn giao sử dụng công trình. Nhiều công trình xây dựng liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh và hạ tầng nông thôn mới được đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác được giám sát về cơ bản hoạt động tương đối tốt, phát huy hiệu quả trong công tác giám sát đầu tư tại cơ sở.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa, việc kiểm tra, giám sát có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm cho Chương trình MTQG đi đúng và trúng đích. Không chỉ phát hiện kịp thời những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện mà cấp, ngành chức năng còn nắm bắt được đề xuất, kiến nghị từ cơ sở để điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp.

Để mô hình “Giám sát đầu tư của cộng đồng” ngày càng phát huy hiệu quả, MTTQ các cấp cần tăng cường nắm bắt các thông tin cần thiết như nguồn lực, ý nghĩa của nguồn lực hỗ trợ; yêu cầu, trách nhiệm của các cơ quan thực hiện, nội dung thụ hưởng của người dân… Qua đó sẽ giám sát được việc người dân có được hỗ trợ đầy đủ các nội dung hỗ trợ của chính sách, dự án, có được thông tin đầy đủ các nội dung của chính sách; dự án, nội dung thực hiện có phù hợp với nguyện vọng của người dân và có mang lại lợi ích cho sinh kế người dân. Thông qua giám sát để tuyên truyền, vận động để người dân biết được vai trò, ý nghĩa của các chính sách hỗ trợ, trách nhiệm của cá nhân khi được thụ hưởng chính sách./.

Thu Trang