PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hoạt động tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương
Sáng 16/7, đồng chí Phương Thị Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (2014 - 2024). Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng dự Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị

Hơn 170 nghìn hộ dân được vay vốn chính sách xã hội

Trong 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản của tỉnh, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội; qua đó, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được phát huy, huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn phát triển bền vững.

Thông qua thực hiện Chương trình đã có 170.143 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có 22.676 hộ thoát nghèo; 1.110 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 19.483 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 3.616 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 67.457 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 1.390 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 3.326 tỷ đồng, tăng 2.028 tỷ đồng so với năm 2014; nợ quá hạn 4,1 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,12%, giảm 0,2 tỷ đồng và giảm 0,21% so với 31/12/2014…

Trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số địa phương chưa đưa nội dung hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên. Công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa thật sự có sự gắn kết chặt chẽ, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn Hà Đức Tiến cho biết, từ hoạt động tín dụng chính sách 10 năm qua đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ vượt ngưỡng nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vươn lên trong cuộc sống, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao…

Phát biểu tại Hội nghị, bà Bàn Thị Việt - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Coọng, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông cho biết, nhu cầu vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại địa phương rất lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu để tạo công ăn việc làm và giải quyết việc làm cho Nhân dân.

Bố trí, huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo, phát huy vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn Triệu Văn Nhúc đề nghị, các bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cân đối, bổ sung nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của những hộ đã thoát nghèo, hộ có nhu cầu vay vốn để thực hiện mở rộng phương án sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo các quy định của Trung ương, của tỉnh. Gắn việc chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm trên địa bàn, nhất là việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Sau khi nghe các ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã phát huy vai trò mang tính đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Tín dụng chính sách xã hội ngày càng khẳng định rõ vai trò trụ cột của hệ thống chính sách trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, việc triển khai thực hiện vẫn tín dụng chính sách xã hội vẫn một số hạn chế như nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng thấp; một số địa phương chưa quan tâm bổ sung nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội... Vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách các cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương. 

Cùng với đó, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đưa nội dung hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, năm của đơn vị, địa phương. Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, chú trọng biểu dương, thúc đẩy tính lan tỏa nhằm từng bước giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực sự phát huy được nguồn vốn cho vay. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ủy thác vay được. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND cùng cấp trong việc kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị; thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức đảng trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới…


Các tập thể nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Nhân dịp này, 10 tập thể, 15 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 6 tập thể, 6 cá nhân nhận Giấy khen của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vì đã có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Thu Cúc