PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/10/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị chuyên đề về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Sáng 19/10, tại huyện Chợ Mới, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề bàn các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn, trồng cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chủ trì Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị đã đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; công tác phát triển vùng nguyên liệu gỗ ổn định để phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; hiệu quả của việc tỉa thưa rừng trồng, chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn thông qua Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (KfW8) thực hiện tại huyện Chợ Mới và Ngân Sơn; hiệu quả của việc phát triển rừng cấp chứng chỉ rừng FSC; cơ chế chính sách phát triển rừng… Từ đó, bàn các giải pháp để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đại biểu tham luận tại Hội nghị

Trong 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 562 vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, tăng 185 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Hành vi vi phạm chủ yếu là phá rừng trái pháp luật với 433 vụ (chiếm 77% tổng số vụ vi phạm) với tổng diện tích thiệt hại 111,31 ha (tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 237 vụ; diện tích rừng thiệt hại tăng 46,51 ha). Diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng sản xuất và rừng tự nhiên (chiếm 90% diện tích thiệt hại), rừng có trữ lượng thấp hoặc rừng tái sinh chưa có trữ lượng. Nguyên nhân chủ yếu do người dân thiếu đất sản xuất, đời sống còn gặp nhiều khó khăn; nhu cầu phát triển kinh tế rừng của người dân (chủ rừng) được giao đất rừng tự nhiên nhưng cơ bản không được hưởng lợi từ rừng tự nhiên.

Công tác phát triển rừng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh có 100.291,22 ha, trong đó có trên 27.300 ha mỡ, trên 47.666 ha keo, trên 8.571 ha thông. Tuy nhiên, công tác trồng rừng còn một số diện tích không đạt tiêu chuẩn nghiệm thu, chất lượng sản phẩm hàng hóa không cao, việc đầu tư trồng rừng của các thành phần kinh tế vẫn còn manh mún, chưa thành vùng nguyên liệu tập trung, chưa đầu tư thâm canh.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 267 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản đang hoạt động. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ của người dân trong tỉnh. Với sản lượng khai thác gỗ bình quân từ 300.000 - 350.000 mgỗ/năm, các cơ sở chỉ thu mua và chế biến được khoảng 35%, còn lại người dân bán ra thị trường ngoài tỉnh cho các tư thương với giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định do chất lượng rừng chưa cao.

Thực tế việc tỉa thưa rừng keo theo Dự án KfW8 cho thấy, sau khi tỉa thưa, rừng keo cho sản lượng cao hơn, cây có kích cỡ lớn hơn (có thể xẻ gỗ) nên giá trị bán được sẽ cao hơn 3 - 4 lần so với rừng keo không được tỉa thưa (sản lượng thấp, chỉ bán gỗ băm hoặc gỗ bóc). Mặt khác, do rừng được tỉa thưa, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu nguy cơ xói mòn, tăng độ màu mỡ và độ ẩm cho đất. Tuy nhiên, kỹ thuật tỉa thưa theo phương pháp của Dự án lần đầu tiên triển khai tại tỉnh cũng như trong cả nước nên chưa có kết quả để người dân tham quan học tập; để thực hiện tỉa thưa, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng kinh doanh gỗ lớn thì các hộ gia đình khó khăn về kinh tế rất khó thực hiện…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa đánh giá, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng được các đơn vị, địa phương thực hiện rất quyết liệt. Qua phân tích cho thấy, các vụ vi phạm chủ yếu là phá rừng tự nhiên là rừng sản xuất để trồng rừng. Trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng đang thực hiện. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tham mưu thực hiện giải pháp trồng bổ sung cây đa mục đích vào rừng tự nhiên sản xuất bắt đầu từ năm 2023 nhưng chưa thực hiện đại trà mà các địa phương thực hiện mô hình với quy mô khoảng 3 - 5 ha.

Để phát triển vùng nguyên liệu gỗ ổn định, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm đề xuất và tham mưu các biện pháp kỹ thuật chuẩn hóa giống, các biện pháp trồng và chăm sóc rừng, tiêu chuẩn của rừng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành Công Thương chủ trì tham mưu về cơ chế thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản với người dân trồng rừng để giải quyết được vấn đề là các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh lấy được nguyên liệu gỗ của người dân địa phương.

Đối với thực hiện chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, trên cơ sở kết quả Dự án KfW8, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu nhân rộng Dự án trong năm 2023 và giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương; rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách trong Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.

Hương Dịu