PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

25/12/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Năm 2020, ngành Nông nghiệp vượt khó đi lên
Chiều 24/12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn

Dự Hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nông Quang Nhất - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.

Báo cáo về kết quả năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thiên tai bất thường nhưng toàn Ngành đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, khát vọng vươn lên, bám sát thực tiễn, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại Ngành. Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Kết quả đạt được các chỉ tiêu tổng hợp năm 2020: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn Ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.

Cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô hơn và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại Ngành… Với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,65%, tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao trên hầu hết các lĩnh vực…

Đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và Nhân dân đã nỗ lực vượt khó vươn lên, đạt được nhiều thành tựu trong năm 2020.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại như: Tăng trưởng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thật sự bền vững; môi trường nông thôn còn nhiều bất cập; thu nhập khu vực nông thôn còn thấp; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao; dự báo cung cầu còn yếu; tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn còn diễn ra.

Về kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “biến nguy cơ thành thời cơ”, nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên nhiên và đặc biệt thời cơ rất lớn, đó là thị trường được mở ra với việc tham gia 14 Hiệp định tự do (FTA), trong đó có 3 Hiệp định ký trong nhiệm kỳ này là CPTPP, EVFTA, RCEP.

Đối với các mục tiêu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đạt tăng trưởng khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%; phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và tập trung nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Thành lập mới 2.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; cả nước có gần 20.000 HTX nông nghiệp, trong đó trên 16.500 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn còn dưới 5%.

Để đạt mục tiêu đề ra, Thủ tướng đề nghị, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nâng cao chất lượng chất lượng tái cơ cấu Ngành; tập trung vốn đầu tư thực hiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể; chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản; theo dõi chặt chẽ thời tiết, diễn biến thiên tai để huy động lực lượng, sẵn sàng ứng phó kịp thời…/.

Hương Dịu