PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/12/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 3,5%
Nỗ lực vượt mọi khó khăn, năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 3,5%, vượt tốc độ tăng trưởng chung 2,65% của ngành Nông nghiệp toàn quốc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao thực hiện đạt các chỉ tiêu: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) (theo giá so sánh năm 2010) đạt 2.102,1 tỷ đồng, theo giá hiện hành đạt 3.765 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá so sánh năm 2010) lĩnh vực nông, lâm nghiệp - thủy sản đạt 3,5%; diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang trồng cây có giá trị kinh tế cao (duy trì) 1.610 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 175.365 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 550 kg/năm; trồng rừng 5.900 ha, trong đó rừng gỗ lớn 3.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 72%...

Sản lượng lương thực có hạt của tỉnh năm 2020 đạt 179.748 tấn

Nỗ lực vượt mọi khó khăn, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, tổng giá trị gia tăng nông - lâm nghiệp, thuỷ sản theo giá hiện hành đạt 3.994,869 tỷ đồng; theo giá so sánh năm 2010 đạt 2.121,903 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp) 1.511,665 tỷ đồng (71,24%); lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan 574,278 tỷ đồng, chiếm (27,06%); thủy sản 35,961 tỷ đồng (1,69%). Tốc độ tăng trưởng kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 tăng 3,5% so với năm 2019, đạt 100% kế hoạch (KH).

Trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh thực hiện 37.143 ha cây lương thực có hạt, đạt 102% KH; sản lượng đạt 179.748 tấn, đạt 103% KH, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2019; lương thực bình quân đầu người đạt 572 kg. Ngoài ra, các cây trồng khác, toàn tỉnh thực hiện được 1.381 ha cây có bột, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2019, tổng sản lượng ước đạt 42.824 tấn, tăng 09% so với cùng kỳ năm 2019. Cây rau, đậu các loại thực hiện được 3.791 ha, tổng sản lượng đạt 40.107 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Cây công nghiệp thực hiện được 4.334 ha, đạt 101% KH, tổng sản lượng đạt 26.782 tấn, đạt 105% KH, tăng 04% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích thâm canh gắn với liên kết tiêu thụ thực hiện được 332 ha, đạt 114% KH. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt 1.838 ha; diện tích đất ruộng, soi bãi đạt 100 triệu đồng trên ha trở lên 3.520 ha, đạt 101% KH.

Năm 2020, sản lượng các loại cây ăn quả đều vượt kế hoạch. Trong đó sản lượng cam, quýt đạt 24.326 tấn, bằng 104% KH, tăng 04% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng cây hồng không hạt đạt 2.349 tấn, bằng 103% KH; sản lượng cây mơ 2.456 tấn, đạt 124% KH...

Sản lượng quả cam, quýt năm 2020 đạt 24.326 tấn, tăng 04% so với cùng kỳ năm 2019

Trong phát triển chăn nuôi, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều địa phương đã quan tâm cải tạo đàn vật nuôi, phương thức chăn nuôi được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn hoặc chăn nuôi nông hộ có áp dụng khoa học công nghệ; thị trường tiêu thụ và giá bán các sản phẩm thịt trâu, bò, gia cầm ổn định. Sản lượng thịt hơi các loại năm 2020 ước đạt 20.895 tấn, đạt 95% KH, bằng 103% so với năm 2019.

Tích cực mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, năm 2020, toàn tỉnh thực hiện được 1.430 ha, đạt 103% KH, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng thủy sản năm 2020 ước đạt 2.646 tấn, đạt 105% KH, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019.

Công tác trồng rừng tiếp tục được quan tâm thực hiện với kết quả trồng mới được 7.235 ha rừng, đạt 123% KH, độ che phủ rừng 72,9%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện tốt; toàn tỉnh thực hiện giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ rừng phòng hộ là rừng tự nhiên với tổng diện tích là 93.759,05 ha.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Quang Nhất, năm 2020, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp được diễn ra trên diện rộng. Sản phẩm trồng trọt đã dần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, ngày càng phát triển theo hướng chất lượng cao, đảm bảo an toàn, đa dạng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất ngày càng tăng, phát triển diện tích lúa đặc sản tạo thị trường hàng hoá, các giống cây ăn quả có chất lượng tốt được trồng mới và trồng thay thế. Nhiều diện tích chè VietGAP, chè hữu cơ, vùng rau an toàn đang được duy trì và mở rộng.

Các tiến bộ kỹ thuật và mô hình sản xuất tiên tiến tiếp tục được nhân rộng. Các mô hình thử nghiệm giống mới, kỹ thuật canh tác cải tiến, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác tiếp tục được đưa vào triển khai trên địa bàn các huyện, thành phố,... Năm 2020, Ngành đã tổ chức triển khai được 14 dự án, mô hình trình diễn thử nghiệm. Đến nay, có 22/170 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao (chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp) vào sản xuất.

Công tác chỉ đạo điều hành, hỗ trợ sản xuất có nhiều đổi mới, tiến bộ, các địa phương đã chủ động chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, các chương trình, dự án tiếp tục được thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực

Tích cực phối hợp hỗ trợ thành lập mới HTX, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 170 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 26 HTX so với năm 2019, đạt 144% KH. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ngày càng được tăng cường, có nhiều HTX, tổ hợp tác nỗ lực vươn lên trong liên kết sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp năm 2020 còn một số hạn chế. Diện tích cây thuốc lá, cây dong riềng không đạt kế hoạch; cơ cấu kinh tế nông thôn còn chuyển dịch chậm. Chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn phát triển chưa mạnh. Thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa ổn định; việc xây dựng và phát triển thương hiệu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh còn hạn chế. Mức độ đầu tư thâm canh còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa thật sự đáp ứng yêu cầu cao của thị trường…

Năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng đạt 3,5%; lương thực bình quân đầu người 550 kg/người/năm; diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa 167 ha; duy trì diện tích đã chuyển đổi trên từ năm 2018-2020 là 1.852 ha; duy trì, ổn định diện tích vùng sản xuất hàng hóa cây ăn quả đặc sản cam, quýt, hồng không hạt, cây mơ hiện có; thực hiện thâm canh cải tạo 340 ha cây cam quýt, 55 ha cây hồng không hạt, 20 ha cây mơ và trồng mới 191 ha cây cam, 48 ha cây hồng không hạt, 68 ha cây mơ; thực hiện 237 ha khoai môn, 500 ha dong riềng; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 24.000 tấn; nuôi trồng thủy sản 1.404 ha, sản lượng đạt 2.605 tấn; trồng rừng phân tán 400 ha và trồng rừng theo các chương trình, dự án khác 3.170 ha; duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%...

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu được giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm về: Chỉ đạo điều hành, cơ chế chính sách; về kỹ thuật đối với trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, xúc tiến quảng bá sản phẩm, đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất.../.

Hương Dịu