PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/10/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm mua bán người
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, trình độ dân trí chưa đồng đều, một số người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu hiểu biết, thiếu cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, lừa bán sang Trung Quốc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trước thực trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu pháp luật và Nhân dân. Từ đó, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai, bám sát nội dung và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng chống mua bán người (PCMBN) trên địa bàn.


Công an tỉnh tuyên truyền về PCMBN cho học sinh Trường THCS Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn

Trong 9 năm qua, Công an tỉnh đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được 1.334 buổi, thu hút 222.168 lượt người tại 2.759 thôn, bản, tổ dân phố tham gia, lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm, PCMBN, thu được 6.450 tin có giá trị, trong đó có nhiều tin liên quan đến tội phạm mua bán người. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên như lồng ghép trong các buổi học chính khóa, các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đăng tải được nhiều tin, bài phản ánh về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự như quản lý hộ khẩu, quản lý người nước ngoài, số công dân Việt Nam xuất khẩu lao động…

Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực công tác PCMBN cho cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; hướng dẫn nghiệp vụ công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tổ chức tuyên truyền cho người dân trong độ tuổi lao động nhân Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7); tập huấn về công tác bình đẳng giới, lồng ghép tuyên truyền giáo dục về PCMBN cho cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ…

Trong kỳ báo cáo, lực lượng Công an toàn tỉnh đã thụ lý, điều tra 10 vụ mua bán người, với 13 bị can. Cùng với đó, các lực lượng chức năng thực hiện tiếp nhận, xác minh cho 11 nạn nhân bị mua bán trở về, thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ nạn nhân và người thân của các nạn nhân theo Nghị định số 62/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Các nạn nhân được chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể trợ giúp, tư vấn pháp luật, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi và phức tạp. Chúng thường lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa bán phụ nữ. Ngoài ra, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook…) để tiếp cận, rủ rê nạn nhân đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao rồi lừa bán sang Trung Quốc. Trong thời gian tới, phương thức này sẽ trở nên phổ biến vì các đối tượng có thể tiếp cận được nhiều người, ở nhiều địa phương và giấu được nhân thân, lai lịch…

Một trường hợp mới đây vừa bị Công an phát hiện bắt giữ, đó là đối tượng Triệu Tiến Mạnh (sinh năm 2000, trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Tuy không xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhưng cũng để cảnh tỉnh cho những cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin. Trước đó, trong quá trình lao động tự do tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, qua ứng dụng Zalo, Mạnh làm quen với một cô gái tên H.T.N. (sinh năm 2001, quê quán huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đang làm công nhân tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh. Mạnh tán tỉnh N nhằm mục đích lừa bán sang Trung Quốc để lấy tiền tiêu xài. Sau khi N. nhận lời yêu, ngày 17/7/2020, Mạnh nói dối với N. đi thăm mẹ nuôi đang sống bên Trung Quốc và rủ N. đi cùng đến khu vực biên giới Việt - Trung ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để xuất cảnh. Tại đây, các đối tượng cấu kết với Mạnh đã đưa N. đi, bán cho một người Trung Quốc để hưởng số tiền 15 triệu đồng. Ngày 17/9/2020, lợi dụng sơ hở, N. bỏ trốn, trở về Việt Nam và đến cơ quan Công an tố cáo vụ việc.

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng, do vậy, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động tố giác các biểu hiện nghi vấn của đối tượng để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em. Các lực lượng chức năng cần tiếp tục chủ động, thực hiện tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, tăng cường nắm tình hình quản lý địa bàn, tuyến, lĩnh vực theo nhiệm vụ được phân công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho quần chúng Nhân dân về phòng, chống tội phạm mua bán người; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh./.

Thu Trang