PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

25/01/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nâng cao tính ứng dụng các đề tài, dự án khoa học
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Lựa chọn đề tài, dự án sát thực tế

Trong những năm qua, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những bước chuyển biến tích cực. Khoa học và công nghệ đã đóng góp vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tiềm lực khoa học và công nghệ được nâng lên.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, có 42 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được nghiệm thu (bao gồm 40 nhiệm vụ cấp tỉnh và 2 nhiệm vụ trung ương thuộc chương trình nông thôn miền núi); năm 2023 tiếp tục có 9 đề tài, dự án được triển khai.

Các nhiệm vụ được triển khai bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết trên các lĩnh vực. Các nhiệm vụ hướng đến có sự tham gia của “bốn nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà dân, theo đó, đẩy mạnh hơn sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện.

Đi đầu là lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Ở lĩnh vực này, các nhiệm vụ thực hiện theo hướng ứng dụng, tập trung bảo tồn gen, cải tạo giống, phát triển vùng trồng gắn với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa. Một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa, lâu năm được phục tráng, tuyển chọn nhằm lưu giữ, bảo tồn gen, tạo giống chất lượng như bí xanh thơm Bắc Kạn, mơ vàng, khảo nghiệm được giống lúa, giống thuốc lá có năng suất, chất lượng tốt. Một số diện tích cây trồng lâu năm bị già cỗi được áp dụng giải pháp khoa học kỹ thuật để cải cạo, phòng trừ sâu bệnh hại như chè shan tuyết, mận, hồng không hạt, cam, quýt. Một số nhiệm vụ hướng tới thử nghiệm một số cây trồng, vật nuôi mới như cây lê, chè hoa vàng, giảo cổ lam, nuôi cá chày, bưởi diễn. Một số nhiệm vụ hướng đến cải tiến công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường như sản xuất tinh dầu từ quýt, các sản phẩm chất lượng cao tạo ra từ chè shan tuyết, chè trung du…

Lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật tập trung các nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường, phòng chống thiên tai… nhằm tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu tra cứu các tổ chức, cá nhân. Một số công nghệ được ứng dụng, thử nghiệm như ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, thử nghiệm công nghệ làm đường giao thông nông thôn, công nghệ chế biến quýt, chè.

Trong lĩnh vực khoa học y dược hướng đến những vẫn đề mới, cần giải quyết như xây dựng sổ sức khỏe điện tử; xây dựng mô hình quản lý người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình; xây dựng mô hình vườn thuốc nam nhằm kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Lĩnh khoa học xã hội triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển văn hóa gắn với du lịch nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội

Huyện Ba Bể là địa phương triển khai nhiều dự án nhất tỉnh. Từ 2016 đến nay, trên địa bàn huyện được triển khai 17 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, 2 nhiệm vụ cấp quốc gia, trong đó có 12 nhiệm vụ đã nghiệm thu, 5 nhiệm vụ đang thực hiện. Tất cả các đề tài, dự án nghiệm thu đều được UBND huyện chỉ đạo ứng dụng kết quả, tổ chức duy trì, nhân rộng và và có kết quả khá rõ ràng như: Xây dựng mô hình trồng cam xã Đoài; cải tạo vườn mận không đồng đều, năng suất thấp; cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa; sản xuất lê; phục tráng giống bí thơm Ba Bể.

Trong các đề tài, dự án được triển khai, sản phẩm các dự án đã được nhân rộng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, đề tài khoa học “Phục tráng giống bí thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt” đã phát triển vượt bậc. Từ thực hiện thành công mô hình sản xuất giống bí thơm với quy mô 1 ha tại hai xã Địa Linh và Yến Dương, diện tích cây bí xanh thơm tại huyện Ba Bể tăng dần qua các năm và đồng bộ sử dụng giống đã phục tráng, đến năm 2022 đạt trên 200 ha. Sản phẩm bí xanh thơm được quảng bá rộng rãi, với nhiều sản phẩm được chế biến, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng và chế biến, kinh doanh sản phẩm này.

Tại huyện Chợ Đồn, Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè shan tuyết tại xã Bằng Phúc cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Dự án đã xây dựng 2 mô hình gồm mô hình chè shan theo hướng hữu cơ (năng suất búp tăng tối thiểu 10%, giá bán búp tăng trên 20%, chất lượng búp tăng) và mô hình chè shan tập trung theo tiêu chuẩn VietGap (năng suất búp tăng tối thiểu 15%, giá bán búp tươi tăng trên 20%). Qua triển khai dự án đã chứng nhận được vùng nguyên liệu 10 ha chè shan đạt tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ thiết bị, công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm cho Hợp tác xã (HTX) Hồng Hà; hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho HTX để sản xuất 3 sản phẩm chè chất lượng cao; xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè shan tuyết Bằng Phúc, bàn giao cho Hội Nông dân xã Bằng Phúc quản lý… Đến nay, cùng với diện tích được mở rộng thì sản phẩm chè shan đã phát triển mạnh trên thị trường, được người tiêu dùng trong nước đón nhận.

Thông qua các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, nhiều sản phẩm áp dụng công nghệ chế biến sâu, tạo giá trị kinh tế cao như sản xuất tinh dầu quýt của HTX Hương Ngàn với mức tiêu thụ mỗi năm trên 1.000 lít; sản phẩm hồng trà, bạch trà, trà móc câu từ công nghệ chế biến chè shan tuyết của HTX Hồng Hà; các sản phẩm chế biến chè trung du của HTX Mỹ Phương, HTX Thanh niên Như Cố… Bên cạnh chất lượng, các sản phẩm được quan tâm về bao bì, nhãn mác, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc nhằm tiệm cận dần với các tiêu chuẩn chung, nâng cao giá trị trên thị trường. Một số sản phẩm đặc sản của tỉnh được quan tâm đúng mức về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 4 sản phẩm nông nghiệp đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (quýt Bắc Kạn, hồng không hạt Bắc Kạn, miến dong Bắc Kạn, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn); 5 sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu tập thể (gạo bao thai Chợ Đồn, gạo nếp Khẩu nua Lếch Ngân Sơn, chè shan tuyết Bằng Phúc huyện Chợ Đồn, nếp Tài Ba Bể và Khẩu nua Pái Chợ Đồn) và hiện nay đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn.

Việc ứng dụng, nhân rộng kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, tăng năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng./.

Hương Lan