PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nhiều ý kiến tâm huyết tại Kỳ họp
Dành phần lớn thời gian thảo luận đối với các báo cáo tại Kỳ họp thứ 21, đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng tại Kỳ họp.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thảo luận sâu về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Đóng góp ý kiến đối với báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; tình hình thực hiện thu, chi ngân sách; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2024 của UBND tỉnh, qua thảo luận, hầu hết các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu tham dự Kỳ họp cơ bản thống nhất với các báo cáo của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh trình Kỳ họp. Trên cơ sở tình hình thực tế, các đại biểu quan tâm đến một số hạn chế, có kiến nghị và đề nghị làm rõ hơn giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tăng trưởng kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch; mục tiêu đề ra tăng trưởng đạt 8% trở lên cả năm và 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 7,2%, song kết quả thực tế mới đạt 5,45%. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp, do đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh có kịch bản chi tiết, cụ thể, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm để đạt được tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt thấp, chủ yếu do nguồn thu tiền đất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhưng thu đạt thấp (19%), đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo thu ngân sách đạt chỉ tiêu kế hoạch giao.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại tất cả các huyện, thành phố. Đại biểu cho rằng, công tác quản lý, kiểm soát của một số địa phương khi bùng phát bệnh dịch 6 tháng đầu năm còn hạn chế, vẫn có tình trạng người dân vứt xác lợn bị bệnh ra môi trường, vận chuyển lợn bệnh đi tiêu thụ làm tăng nguy cơ lây lan và ảnh hưởng đến môi trường. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, trong đó chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh, tuyên truyền các hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện việc tiêm phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vì đây là giải pháp hữu hiệu nhất, giúp phòng chống dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh báo cáo về hiệu quả hoạt động của các trạm kiểm dịch tại các địa phương đối với công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; kiến nghị với Trung ương xem xét hỗ trợ cho địa phương đang bị ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đưa ra dẫn chứng, giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 22%, trong đó vốn sự nghiệp đạt 4% kế hoạch. Trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 2 huyện Pác Nặm và Ngân Sơn theo kế hoạch phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo đạt từ 4%/năm trở lên, tuy nhiên kết quả thực hiện năm 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đều không đạt kế hoạch.

Đại biểu thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân do năng lực cán bộ cấp xã còn hạn chế nên công tác lập hồ sơ, thẩm định các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng còn chậm; do dịch bệnh xảy ra thường xuyên, do năng lực một số hợp tác xã chủ trì liên kết còn hạn chế… Đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung, quyết liệt giải ngân nguồn vốn sự nghiệp của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó quan tâm thực hiện các dự án liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất để mang lại lợi ích, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân; hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhằm giảm bớt thủ tục giúp người dân dễ tiếp cận chính sách.

Đối với lĩnh vực giáo dục, theo kế hoạch của UBND tỉnh, dự kiến trong năm 2024 sẽ có 21 trường học đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên, tiến độ xây dựng cơ sở vật chất tại các nhà trường triển khai còn chậm, hiện tại, nhiều trường mới đang chuẩn bị khởi công nên việc hoàn thành để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch là chưa khả thi. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp thực hiện đảm bảo tiến độ kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Trong lĩnh vực y tế, việc tổ chức mua sắm hàng hóa, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế đối với các cơ sở y tế công lập còn chậm, chủ yếu do chậm ở khâu thẩm định giá dẫn đến tình trạng thiếu một số thiết bị y tế, hóa chất, vật tư xét nghiệm phục vụ công tác chuyên môn tại một số cơ sở y tế. Đại biểu đề nghị tăng cường giám sát chuyên đề để đánh giá khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh giải trình và đưa ra giải pháp để khắc phục chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của người dân, doanh nghiệp năm 2023 giảm so với năm trước.

Trách nhiệm với chính sách trên địa bàn

Thảo luận báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và báo cáo tiếp thu giải trình của UBND tỉnh đối với các dự thảo Nghị quyết, đại biểu đã xem xét các nội dung dựa trên tình hình thực tế, đảm bảo chính sách công bằng cho các đối tượng.

Đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trong các cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm học 2024 - 2025, đại biểu cho rằng, đề xuất về mức thu học phí và phân loại các vùng thu học phí cơ bản phù hợp. Dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình tại Kỳ họp này giữ nguyên mức thu học phí theo các vùng như Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND, thay đổi phân loại vùng đối với thị trấn Vân Tùng từ vùng III sang vùng I. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, việc đưa thị trấn Vân Tùng vào vùng có mức thu như các thị trấn tại trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh cần thực hiện từng bước, điều chỉnh cho phù hợp.

Theo giải trình của UBND tỉnh, đối với việc đưa thị trấn Vân Tùng từ vùng III sang vùng I, UBND tỉnh đã có thuyết minh làm rõ cơ sở đề xuất. Mặt khác, qua khảo sát thực tế của Ban Văn hóa - Xã hội cho thấy, năm học 2023 - 2024, số trẻ em, học sinh, học viên trên địa bàn thị trấn Vân Tùng được miễn học phí chiếm 36,2% và 7,86% số học sinh được giảm học phí. Bên cạnh đó, trong lộ trình phổ cập giáo dục phổ thông, từ năm học 2024 - 2025, giáo dục mầm non 5 tuổi sẽ được miễn học phí; dự kiến từ năm học 2025 - 2026 miễn học phí cho học sinh THCS. Do đó, việc phân vùng và áp dụng mức thu học phí như dự thảo Nghị quyết là phù hợp với điều kiện thực tế. Trên cơ sở giải trình, đại biểu nhất trí với việc phân loại vùng thị trấn Vân Tùng vào vùng I như dự thảo Nghị quyết, đồng thời, đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là người dân trên địa bàn thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết thuận lợi, đạt hiệu quả.

Đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đa số đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh. Đại biểu chỉ ra, còn một số về mức chi, dự thảo Nghị quyết không quy định rõ 1 vụ việc hòa giải được chi 1 lần hay nhiều lần; trường hợp được chi nhiều lần/1 vụ việc sẽ dẫn đến không nâng cao chất lượng của Tổ hòa giải ở cơ sở, do vậy, đề nghị quy định cụ thể số lần hòa giải/ 1 vụ việc và mức chi hỗ trợ.

Đại biểu đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng tại dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị UBND tỉnh rà soát các nhiệm vụ đang triển khai thực hiện đã có quy định về nội dung chi, mức chi của Trung ương và giao UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định cụ thể nhưng chưa được thực hiện.

Đối với các dự thảo nghị quyết khác, đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và báo cáo tiếp thu giải trình của UBND tỉnh, đồng thời đề nghị làm rõ một số nội dung để bổ sung hoàn thiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chiều 18/7, Kỳ họp tiến hành thảo luận tại hội trường và thông qua các báo cáo, dự thảo Nghị quyết./.

Hương Lan