PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/06/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
OCOP-BK tạo thương hiệu cho sản phẩm địa phương
Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP-BK) đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, qua đó tăng thu nhập cho người dân và đang từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các sản phẩm OCOP-BK đã được lựa chọn giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ
thương mại trong và ngoài tỉnh

Có thể khẳng định, việc thực hiện Chương trình OCOP 3 năm qua, người dân đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của toàn tỉnh trong mọi khâu của quá trình sản xuất sản phẩm OCOP. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ quyết liệt, linh hoạt, bài bản từ tỉnh đến cơ sở; sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mẫu mã và được người tiêu dùng đón nhận... Đến nay, Bắc Kạn đã công nhận, phân hạng được 105 sản phẩm OCOP, trong đó có 68 sản phẩm năm 2019 và 37 sản phẩm năm 2018; có 08 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao. Sau khi được đánh giá xếp hạng, nhiều sản phẩm được các đơn vị phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn, doanh thu bán sản phẩm của các nhóm sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng đều tăng đáng kể.

Có được kết quả này đầu tiên phải khẳng định do khâu quảng bá Chương trình OCOP đã được Bắc Kạn đặc biệt quan tâm thực hiện, nhất là hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ Chương trình OCOP diễn ra sôi nổi trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2019, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức thành công Hoạt động văn hóa, ẩm thực quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP tại Vườn Quốc gia Ba Bể nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm 2019; giới thiệu các sản phẩm nông sản OCOP tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội; đưa các sản phẩm OCOP-BK tham gia hội chợ tại các tỉnh: Bến Tre, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Cần Thơ; Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt do Bắc Kạn tổ chức tại Siêu thị Big C thành phố Hà Nội…. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chủ động mở các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, qua đó tạo nên hiệu ứng tích cực cho việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong số các sản phẩm OCOP-BK được công nhận hiện đã có 03 sản phẩm được cấp chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGap, 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, 4 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 7 sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể…

Nhiều sản phẩm phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, như: Miến dong Côn Minh; Chè Shan tuyết Bằng Phúc; Thịt treo gác bếp Bộc Bố; Gạo Japonica Phương Viên; Hồng không hạt Quảng Bạch; Bí xanh thơm Địa Linh; Gạo Nếp Tài Yến Dương... Sau khi triển khai theo hướng sản xuất tập trung, nhiều sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn. Chính vì vậy, hiệu quả bước đầu khá tích cực, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, phục vụ đời sống người dân, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào thị trường với sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng.

Với những thành công đạt được bước đầu trong 3 năm triển khai Chương trình, nhận thức của cán bộ và người dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP dần được hình thành; nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh của địa phương được hoàn thiện theo quy chuẩn; một số sản phẩm tạo được vị thế vững chắc trên thị trường. Mặt khác, công tác tuyên truyền liên tục và theo chiều sâu đã tác động tốt đến tư tưởng, nhận thức của cán bộ và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, chủ trang trại, từ đó thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng của xã hội đối với sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh những sản phẩm được đánh giá cao thì vẫn còn không ít các cơ sở sản xuất chưa ý thức về việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, mẫu mã bao bì sản phẩm còn chưa thực sự thu hút người tiêu dùng, bên cạnh những sản phẩm có mẫu mã đẹp thì vẫn còn rất nhiều sản phẩm chưa có nhãn mác, bao bì, nguồn gốc nguyên liệu chưa rõ ràng…

Nhận thực rõ vấn đề này, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh về các sản phẩm OCOP đạt chất lượng, tỉnh Bắc Kạn hiện đang tích cực thúc đẩy phát triển sản phẩm quy mô lớn, hỗ trợ tiêu chuẩn hoá sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại như: Duy trì tổ chức các hội chợ OCOP; tham gia các cuộc xúc tiến thương mại quốc gia, quốc tế; đầu tư và quản lý hoạt động các điểm bàn sản phẩm OCOP…; tiếp tục phát triển hệ thống trung tâm OCOP ở các địa phương và các khu du lịch nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Những kết quả ban đầu và hiệu ứng lan tỏa hiện nay là nền tảng vững chắc để Chương trình OCOP-BK sẽ có bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ theo hướng bền vững, lâu dài không chỉ ở khu vực nông thôn mà còn ở khắp các địa bàn trong tỉnh và trở thành thương hiệu riêng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn./.

Thu Cúc