PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/11/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển kinh tế số trong giai đoạn mới
Việc ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động đã hình thành một nền kinh tế số mang lại giá trị, hiệu quả cao. Đây cũng là xu thế tất yếu của nền kinh tế trong giai đoạn tới.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các sản phẩm từ trà hoa vàng của Công ty TNHH Hà Diệp (thành phố Bắc Kạn)
đều dán tem truy suất nguồn gốc

Trong những năm qua, nền kinh tế số của Bắc Kạn đã có sự phát triển. Cùng với cả nước, Bắc Kạn đã triển khai một số chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, làm tiền đề để thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng thông rộng đã kết nối đến từng gia đình, cá nhân; hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đã và đang được thúc đẩy phát triển, từ đó tạo nền tảng phát triển kinh tế số ở tất cả các lĩnh vực.

Đơn cử như trong phát triển thương mại điện tử, nếu như những năm trước đây giao dịch chủ yếu bằng phương thức truyền thống từ các điểm chợ truyền thống thì đến nay, giao dịch điện tử đã phát triển mạnh mẽ. Thương mại điện tử đã có những bước chuyển biến rõ nét, được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. Một số các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phần lớn người tiêu dùng đã hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và các website thương mại điện tử bán hàng.... Đặc biệt trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng tăng cường mua sắm qua các kênh thương mại điện tử bên cạnh lựa chọn các kênh mua sắm truyền thống. Các phương thức thanh toán trong thương mại điện tử khá đa dạng và tiện dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng như COD, thanh toán qua thẻ, thanh toán điện tử đã tạo điều kiện cho thương mại điện từ phát triển mạnh trong thời gian qua. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đã chủ động tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để trao đổi, mua bán và xây dựng website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Vấn đề xây dựng kinh tế số được cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm. Trong Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 15% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động bình quân hằng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%; phấn đấu có 200 doanh nghiệp số hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7,5%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%; phấn đấu có trên 500 doanh nghiệp số hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bắc Kạn xác định thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cung cấp sản phẩm công nghệ số, phát triển nội dung số, quảng cáo số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh… qua đó thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập ứng dụng thương mại điện tử và xây dựng hệ thống hạ tầng, nền tảng thương mại điện tử. Xây dựng kế hoạch thúc đẩy thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển. Hỗ trợ, cung cấp kiến thức, giải pháp số và quy trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số.

Cùng với đó là ứng dụng cơ chế hỗ trợ tối ưu hóa cơ sở hạ tầng viễn thông và ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển viễn thông; triển khai ứng dụng mã địa chỉ số trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng thẻ ngân hàng trực tuyến (online banking) và triển khai thí điểm việc sử dụng thanh toán qua điện thoại di động. Bắc Kạn cũng khuyến khích đổi mới mô hình kinh doanh trong nền kinh tế; tuyên truyền, cập nhật xu hướng mô hình kinh doanh số mới, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai các ứng dụng, cảm biến cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nguồn nước để người dân chủ động các giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, nuôi trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Phát triển các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc… cho nông nghiệp, nông thôn và người nông dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt (Ngân Sơn) sử dụng máy đo độ ngọt để kiểm soát lượng đường trong sản phẩm 

Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các đường cao tốc, quốc lộ; chuyển đổi các hạ tầng logistics; xây dựng hệ thống kiểm soát nhận dạng phương tiện; triển khai hệ thống giám sát hành trình thông minh…

Trong lĩnh vực công thương, xây dựng kế hoạch thúc đẩy thanh toán điện tử trên cả khu vực công và tư; khuyến khích doanh nghiệp cũng như tiểu thương sử dụng các dịch vụ trực tuyến như trả lương qua ngân hàng, thanh toán online, mua sắm online.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành công thương; xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Phát triển cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử và tham gia hội nhập phát triển trong các sàn giao dịch thương mại điện tử trong, ngoài nước và của tỉnh Bắc Kạn…

Việc phát triển kinh tế, cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh./.

Hương Lan