PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành
Trong tuần làm việc thứ 3 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn cùng một số nội dung quan trọng khác.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Quan tâm đến nội dung tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển nông nghiệp, nông thôn được đánh giá tại báo cáo của Bộ Công Thương phục vụ chất vấn có nêu: “Hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi còn hạn chế”, ĐBQH Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn cho rằng việc ban hành chính sách áp dụng chung cho các địa phương trên phạm vi cả nước cũng còn hạn chế và sẽ còn khó khăn hơn đối với các địa phương không có nhiều lợi thế để thu hút các doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là các tỉnh miền núi.


ĐBQH Hà Sỹ Huân chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương

Đại biểu đề nghị “Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để tạo điều kiện cho các địa phương thu hút được các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng những chính sách thu hút, ưu đãi hơn”?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để thu hút doanh nghiệp vào vùng sâu, vùng xa thì phải có vùng nguyên liệu và để có vùng nguyên liệu thì chính quyền địa phương phải quy hoạch được vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng được công nghệ mới trong các khâu của quá trình sản xuất; bảo đảm sản phẩm xanh - sạch - chất lượng; nắm bắt được tín hiệu thị trường, sản xuất và cung ứng cho thị trường những cái thị trường cần chứ không phải những cái mà mình có.

Địa phương cũng cần dành những nguồn lực, trước hết là về đất đai ở những vị trí thuận lợi, dành nguồn lực đầu tư về hạ tầng để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng phải rà soát và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện những cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn và khả thi để thu hút được các nhà đầu tư vào khu vực này.

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân nêu nội dung câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất. Song, năm vừa rồi, sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm” khá nghiêm trọng, suy giảm về doanh thu, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường đang diễn ra và hiện nay đang gặp hai nút thắt lớn là về vốn và chi phí, trong khi làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và nhanh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, nhất là các nhà sản xuất FDI ở Việt Nam thì đã bị các doanh nghiệp cùng ngành của nước ngoài vượt mặt để chiếm thị phần ngay trên sân nhà. 

Theo đại biểu, nội dung này chưa được phân tích kỹ lưỡng, chưa cung cấp số liệu trong báo cáo. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đều có kinh nghiệm, đạt được tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cũng như về môi trường, trong khi doanh nghiệp ở trong nước mặc dù có cơ chế nhưng chưa thể tiếp cận được những tiêu chuẩn như trên.

Để nâng cao năng lực cho công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ở trong nước phát triển thì cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật để khi những chính sách được ban hành phải đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các địa phương cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và các điều kiện khác. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng cũng cần sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài và các luật có liên quan để các doanh nghiệp FDI phải có sự ràng buộc, hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước nhằm từng bước nội địa hóa sản phẩm ở trong nước.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhóm vấn đề chất vấn gồm các nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Làm thế nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề được Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo đại biểu, trong thời gian qua, du lịch di sản ở nước ta đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế nhiều di sản đã được khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm đã làm mất đi tính thiêng của lễ hội; các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều phải trải qua quá trình “hàng hóa hóa” di sản và quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, không theo chu kỳ hoạt động của di sản mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này và giải pháp nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản văn hóa và môi trường.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và đề cao trách nhiệm bảo vệ các di tích, di sản; quan điểm của ngành là cần phải bảo tồn, phát huy và biến các di tích, di sản thành tài sản có giá trị trong phát triển kinh tế, tuy nhiên không phải làm bằng mọi giá.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, giải pháp căn cơ cho vấn đề này là sau khi các di tích, di sản văn hóa được công nhận phải tôn trọng và thực hiện các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản của chính quyền địa phương khi xây dựng đề án đề nghị công nhận di tích, di sản; tổ chức thực hiện nghiêm để điều này đi vào trong tiềm thức và sẽ không lợi dụng các di tích, di sản, làm xấu đi hình ảnh của các di tích, di sản... Bên cạnh đó, khi các di sản văn hóa đã được công nhận, tôn vinh cũng cần biết khai thác nó một cách hợp lý, xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa và phát triển kinh tế từ đó.

Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng đã thực hiện phiên chất vấn và chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, gồm việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước. Giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước.

Chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhóm vấn đề về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trực tiếp tham gia trả lời chất vấn của các vị ĐBQH, làm rõ một số vấn đề liên quan đến phạm vi phụ trách.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 193 lượt ĐBQH phát biểu, trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận; còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, các vị đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị ĐBQH quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các vị ĐBQH qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề; nội dung các câu hỏi cơ bản thuộc nội dung, phạm vi chất vấn. Qua quá trình chất vấn, các ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Các Bộ trưởng, Trưởng các ngành trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp; thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao; trả lời tập trung, không né tránh những vấn đề được hỏi và giải trình làm rõ nhiều vấn đề ĐBQH nêu; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội thực hiện công tác cán bộ, tiến hành thảo luận tổ về một số dự án Luật được trình cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp: Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035… Các vị ĐBQH tỉnh tích cực tham gia các ý kiến thảo luận.

Từ ngày 9/6 đến hết 16/6, Quốc hội sẽ nghỉ một tuần để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Sau đó, Quốc hội tiếp tục họp đợt thứ 2, từ ngày 17/6 đến hết sáng ngày 28/6./.

Hương Lan - Triệu Tuyên